Liên quan đến vấn đề đất đai, những năm gần đây UBND Q7 liên tục bị người dân gởi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng, một số vụ việc phải kiện ra tòa. Vì sao một đơn vị hành chính cấp quận lại bị kiện tụng nhiều như vậy? Phải chăng “vùng đất vàng” với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của TPHCM đang có nhiều khuất tất cần được làm rõ?

Người dân Q7 phản ánh bức xúc

“Điệp khúc” đất công

Nổi lên trong các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài hàng chục năm nay là khu Bờ Xáng thuộc P.Tân Phú, Q7. Liên tục nhiều năm qua, hàng trăm hộ ở khu vực này đã gởi đơn đến các cơ quan chức năng Q7, TPHCM và ra tận Trung ương nhằm làm rõ những quyết định khuất tất, tréo ngoe mà UBND Q7 ban hành trước đó.

Theo một số người dân cố cựu sống tại đây thì trước năm 1975, khu Bờ Xáng là vùng đầm lầy, lau sậy, kênh rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt. Sau giải phóng, người dân tứ xứ kéo về khai phá, khẩn hoang trồng lúa, hoa màu. Theo thời gian, số hộ ngày một tăng lên, sinh con đẻ cái, sống quần cư trên vùng đất này, tính đến năm 1990 có khoảng 30 hộ xây dựng nhà cửa ổn định. Do đời sống khó khăn, phải lo miếng ăn từng bữa nên rất nhiều hộ không có điều kiện kê khai để được cấp giấy chứng nhận, mãi đến năm 1997 khu này mới chỉ có 8 hộ được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Bà Trần Thị Kim Sinh, người sống lâu năm tại đây, bức xúc cho hay: “Lúc đó khổ quá, ai cũng lo kiếm ăn, chẳng nghĩ gì đến chuyện giấy tờ nhưng mỗi năm chúng tôi đều đóng thuế đất đầy đủ cho Nhà nước”.

Thế nhưng vào năm 1999, UBND Q7 lại ra quyết định thu hồi “đất công” do các hộ chiếm dụng tại khu Bờ Xáng khiến hàng trăm hộ làm đơn khiếu nại gởi đến UBND Q7. Tuy nhiên chính quyền sở tại cho rằng việc này không có căn cứ nên không giải quyết. Thế là hàng trăm lá đơn khiếu nại, tố cáo UBND Q7 của người dân khu Bờ Xáng lại tiếp tục gởi đến các cơ quan chức năng TPHCM, Trung ương và các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ, hàng ngàn nhân khẩu phải chui rúc trong những căn nhà tồi tàn không được sửa chữa, “ở đậu” ngay chính trên mảnh đất của mình.

Do không được cấp giấy tờ nhà, đất nên năm 2008 khi UBND thành phố ban hành quyết định xây dựng cầu Bản thay thế cầu Đa Khoa (đường Nguyễn Thị Thập), một số hộ tại khu Bờ Xáng nằm trong phạm vi giải tỏa đã bị UBND Q7 áp giá đền bù rẻ mạt. Chưa dừng lại ở đó, sau hai năm thi công, đầu tháng 9-2010, chiếc cầu này đã được khánh thành, nhưng vào năm 2011, 2012 UBND Q7 vẫn tiếp tục dựa vào các quyết định của thành phố để lấy đất của dân (!). Thấy quá vô lý, 13 hộ bị giải tỏa trắng nhiều lần gởi đơn khiếu nại đến UBND Q7, tuy nhiên cũng như lần trước, tất cả đơn thư đều bị bác vì theo quận thì “không có căn cứ”. Khi UBND Q7 cho đoàn xuống cưỡng chế, lấy đất, người dân đã phản ứng quyết liệt. Sau một thời gian dài gõ cửa kêu cứu các cơ quan chức năng, vụ việc nhiều khuất tất này đã được ủy ban, đoàn đại biểu quốc hội thành phố và một số cơ quan báo chí vào cuộc làm rõ.

Quá nhiều khuất tất

Là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thành phố nên những năm qua, vấn đề đất đai ở Q7 trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Mới đây nhất, khi đoàn liên ngành phường, Q7 đưa xe ủi, phương tiện đến cưỡng chế lấy đất giao cho doanh nghiệp, hàng trăm người dân tổ 8, KP2, P.Tân Hưng đã phản ứng. Theo trích lục địa bộ thì trước năm 1975 khu đất này thuộc cố địa chủ Trịnh Thị Dung đăng ký ngày 1-10-1959, sau đó bà Trịnh Thị Sáng thừa kế di sản một phần sổ địa bộ số 12, tờ bản đồ số 2 xã Tân Quy Đông. Sau giải phóng, vùng đất này bị bỏ hoang, người dân kéo về sinh sống, làm nhà và nộp thuế đất cho nhà nước. Mặc dù thời gian sau đó và mãi cho tới nay, các hộ đã nhiều lần xin được cấp giấy chủ quyền nhưng đa số vẫn thuộc diện tạm trú ngắn hạn. Năm 1997, UBND Q7 cho rằng khu này là “đất công”, bị người dân chiếm dụng nên ra quyết định thu hồi mà không bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, năm 2001 UBND Q7 lại tạm giao cho UBND P.Tân Hưng làm trụ sở Ban chỉ huy quân sự phường. Năm 2006, được sự nhất trí của UBND Q7, Cty TNHH Võ Đặng (135 Thống Nhất, P.Tân Thành, Q.Tân Phú) lập dự án quy hoạch khu vực này thành trung tâm thương mại và chung cư cao tầng cho người thu nhập thấp, sau đó dự án này được chuyển cho Công ty cổ phần thương mại Thành Hiếu (13/3 Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Thuận, Q7). Tuy nhiên do không có vốn triển khai nên công ty này phải chuyển nhượng qua hình thức hợp đồng liên doanh với Cty TNHH du lịch vận tải Phương Trang (274-276 Đề Thám, Q1). Dự án được khởi động bằng cách chủ đầu tư cho đổ đất bao đê, vây bọc khiến khu dân cư ngập úng, nhà cửa xuống cấp, dột nát như khu ổ chuột. Đáng lẽ theo luật thì với những dự án kinh tế, chủ đầu tư phải thỏa thuận, thương lượng để giải tỏa nhà đất của dân, nhưng đằng này tại công văn số 827 ngày 16-4-2012, UBND Q7 lại giao chủ đầu tư căn cứ vào thời điểm “chiếm dụng” đất của từng hộ để có chính sách hỗ trợ, không bồi thường. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua, người dân gởi đơn yêu cầu UBND Q7 hủy bỏ các quyết định thu hồi đất, tạm giao đất trái luật, cấp GCNQSDĐ ở và quyền sở hữu nhà ở cho các hộ ở tổ 8, KP2 nhưng không được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thiết nghĩ, việc an dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân trong khuôn khổ pháp luật là việc làm hết sức cần thiết, đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, UBND Q7 nhanh chóng xem xét giải quyết vụ việc trên cơ sở thấu tình đạt lý. Tránh tình trạng để người dân thiệt thòi quyền lợi chính đáng mà “kêu trời không thấu” và tiếp tục khiếu nại, thưa kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự cũng như làm mất lòng tin đối với chính quyền địa phương.

Triều Dương (Công An TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.