Dù đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng- Tam Kỳ đã đưa vào khai thác gần 1 năm, đoạn Tam Kỳ- Quảng Ngãi cũng sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng tại nút giao Túy Loan nối cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, QL 14 B, đường tránh Nam Hải Vân (sau này là cao tốc La Sơn- Túy Loan) vẫn đang dẫm chân tại chỗ vì bị cản trở thi công.

Người dân đang ở mặt tiền đường lớn sau khi thành cao tốc sẽ bị rào chắn phải đi đường gom.

Đang thi công đạt 2/3 khối lượng nút giao Túy Loan thì bị người dân cản trở, máy móc, nhân lực tập kết ùn ứ, trong tình trạng "ngồi chơi xơi nước" gần 1 năm qua. Điều đáng nói, việc cản trở thi công của người dân xuất phát từ những khúc mắc liên quan tới giải tỏa đền bù, song địa phương giải quyết rất ì ạch. Ông Đinh Văn Long (tổ 3, Phú Hòa 1, Hòa Nhơn, Hòa Vang) cho biết, mảnh đất gia đình ông có mặt tiền QL14B 19m, qua nhiều lần giải tỏa mở đường, nay gia đình chỉ còn hơn 40m2. Ông Long yêu cầu được giải tỏa đi khu TĐC mới cũng có mặt tiền QL 14B để có thể kinh doanh buôn bán. Tương tự, ông Võ Văn Tuấn (thôn Phú Hòa 1) cho biết, năm 2014 gia đình ông giải tỏa 182m2 để làm đường, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất TĐC. Gia đình vẫn sống tạm trên phần đất còn lại của mặt tiền cao tốc. Tuy vậy, khi đơn vị thi công rào chắn toàn bộ mặt tiền cao tốc, người dân phải đi đường gom nhỏ, gia đình ông Tuấn cũng như nhiều hộ khác không thể buôn bán được nên có nhu cầu giải tỏa trắng.

Đại diện Ban điều hành gói thầu số 1, nút giao Túy Loan cho biết, khi đơn vị thi công hạ cốt nền, rào chắn cao tốc thì bị người dân phản ứng dữ dội, cản trở không cho thi công. Lý do người dân đang ở mặt tiền quốc lộ, đường lớn bây giờ thành cao tốc lại bị rào ngăn, phải đi đường gom dân sinh mặt cắt nhỏ hơn rất nhiều. Người dân chỉ cho đơn vị thi công triển khai sau khi yêu cầu đòi hỗ trợ, giải tỏa trắng ra khỏi dự án được thực hiện.

Trước phản ứng của người dân, tháng 10-2017 Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và được Bộ chấp nhận cho di dời "giải tỏa trắng" 37 hộ dân có nhà ở mặt tiền cao tốc khu vực nút giao Túy Loan. Theo đó, tháng 11-2017, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho H. Hòa Vang và các đơn vị liên quan triển khai việc này nhằm tạo mặt bằng thi công nút giao Túy Loan. Tuy vậy, suốt từ thời gian đó đến này, việc xử lý những vướng mắc liên quan tới mặt bằng nút giao này vẫn dậm chân tại chỗ.

"Đến giờ chúng tôi vẫn chưa được áp giá đền bù, vẫn chưa biết đi hay ở, cuộc sống cứ bấp bênh thế này"- ông Đinh Văn Long nói. Tương tự, bà Phạm Thị Thu Trang (thôn Thạch Nham Tây, Hòa Nhơn) cũng cho biết, hơn 3 tháng trước được cán bộ giải tỏa xuống đo đạc, kiểm kê, nhưng tới nay vẫn chưa công bố áp giá đền bù, giải tỏa ra sao. Chưa kể, bà Trang được biết đất trong 2 khu TĐC là Hòa Nhơn, Hòa Thọ Tây dành bố trí cho dự án cao tốc cũng không còn, nếu chờ có đất mới chắc sẽ rất lâu, thời gian chờ đợi rất mệt mỏi.

Trao đổi với PV báo Công an TP Đà Nẵng, ông Đặng Thương- Chủ tịch UBND H. Hòa Vang nói: "Về phần giải phóng mặt bằng cho dự án thì chúng tôi đã hoàn thành hết từ rất sớm. Riêng việc phát sinh với gần 40 hộ dân khi cao tốc rào chắn, phải đi đường gom, họ đang ở mặt tiền đường lớn, phải đi đường nhỏ, không làm ăn được nên có nhu cầu giải tỏa hẳn. Về việc này, hiện phía Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa có phương án trình chiếu cụ để các hướng, đường nối vào nút giao, nên người dân cũng chưa biết đi đường nào". Vì thế, ông Thương cho rằng phía VEC cần phối hợp cùng địa phương để trình chiếu phương án nút giao cụ thể để người dân hiểu, đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng. Cũng theo ông Thương, hiện các khu TĐC cho dự án này quỹ đất rất hạn chế, không thể đủ cho các hộ dân giải tỏa phát sinh, vì thế khả năng cần phải có phương án mở rộng các khu TĐC. Theo cán bộ theo dõi tổ công tác GPMB H. Hòa Vang, hiện 37 trường hợp giải tỏa phát sinh này đã được đơn vị chức năng xử lý, đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để áp giá đền bù. Dự kiến cuối tháng 7-2018 việc hoàn thành các khu TĐC sẽ tổ chức họp dân, thông báo phương án di dời, áp giá đền bù.

Việc chậm trễ giải quyết phát sinh về mặt bằng tại nút giao Túy Loan khiến dự án dang dở, đơn vị thi công "tê liệt" tốn kém kinh phí, đồng thời cũng khiến cuộc sống người dân phập phù vì chưa biết đi ở ra sao. Vào tháng 6 vừa qua, H. Hòa Vang đã có văn bản đôn đốc Chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất số 3 khẩn trương áp giá đền bù, niêm yết công khai bảng giá cho các hộ dân và yêu cầu đơn vị thi công tập kết máy móc, có phương án cụ thể để phối hợp "bảo vệ thi công". Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn án binh bất động.

Hải Quỳnh (CAĐN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.