Dù có hàng loạt dự án mở bán, hoặc giới thiệu ra thị trường, nhưng với những người thu nhập trung bình có nhu cầu mua nhà để ở, việc tìm được dự án phù hợp không phải chuyện đơn giản.

Từ nỗi khổ của những căn nhà trọ

Gần nửa năm vừa qua, vợ chồng anh chị Tuấn Nghĩa (quận Cầu Giấy) vẫn đắn đo chuyện có nên mua nhà hay không. 5 năm ở thuê, nheo nhóc hai đứa con, anh chị muốn ở riêng từ rất lâu, bởi căn phòng trọ chưa đầy 30m2 hiện tại không thể ở được vì quá chật, lại ẩm thấp, ồn ào, khó chịu.

Chồng làm kiến trúc sư, vợ làm giáo viên, những năm vừa qua, vợ chồng cũng tích cóp đâu được gần 300 triệu đồng, cộng thêm vay mượn bạn bè cũng được gần 400 triệu. Thế nhưng, suốt cả nửa năm, anh/chị vẫn chưa thể chọn được căn hộ như ý bởi lẽ với nhu cầu hiện tại, khoản tiền của anh chỉ vừa đủ 30% giá trị căn hộ, vẫn phải vay thêm tới hơn 800 triệu. Đó là chưa kể các chi phí hoàn thiện, rồi nội thất thêm cả trăm triệu khiến anh/chị băn khoăn mãi vì không thể tìm được căn hộ nào vừa ý mình.

Ảnh minh hoạ.

Chuyện đắn đo suy nghĩ về giấc mơ "an cư, lập nghiệp" của những người trẻ tuổi như vợ chồng anh chị Tuấn Nghĩa không phải là hiếm.

Qua những năm tháng đầu tiên ra trường, đến cái ngưỡng tuổi cập kê lấy chồng, lấy vợ, sinh con, áp lực cuộc sống biến con người thành những lao công chỉn chu đến từng "cen-ti-mét". Thay vì những giấc mơ hoài bão du lịch, phượt, khám phá, trải nghiệm, những người trẻ như vợ chồng anh chị Tuấn Nghĩa quay cuồng với câu chuyện kiếm kế sinh nhai, làm mọi việc có thể, sáng sớm, đêm muộn, cuối tuần để có được những đồng tiền tiết kiệm, mong muốn có một tổ ấm hạnh phúc.

Thế nhưng, thực tế, khi đã suy nghĩ tới việc quyết định xuống tiền để mua nhà "an cư, lạc nghiệp" phần lớn người mua ở thực hiện nay lại lăn tăn với chuyện không đủ tiền khi giá nhà quá cao. Cách đây vài năm, khi thị trường bất động sản còn trầm lắng, phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền được coi là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp địa ốc.

Với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn, được vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng, hầu như các dự án nhà giá rẻ được mở bán trong giai đoạn này đều được bán hết chỉ trong một thời gian ngắn, thắp ngọn lửa sưởi ấm cả thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang phát triển các dự án trung và cao cấp, khiến phân khúc nhà giá rẻ, hợp túi tiền với đại đa số bộ phận người dân ngày càng khan hiếm.

Số liệu từ báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong tổng lượng cung tại các dự án chung cư, nguồn cung căn hộ có giá bình dân đã chiếm tỷ trọng lên đến gần 60%. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, hiện nay mức giá của chung cư được coi là bình dân cũng ở mức 16 - 17 triệu đồng/m2.

Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị từ một số dự án đang mở bán, giá đó vẫn chủ yếu là bàn giao thô. Vì vậy, để có thể về ở được như ý muốn, với một căn hộ diện tích tối thiểu khoảng 50m2 như hiện nay cũng mất ít nhất từ 2,5 - 3 triệu đồng/m2 chi phí hoàn chỉnh nội thất và trang thiết bị sinh hoạt. Còn lại, đa phần các dự án chung cư chào bán mới hiện tại ở Hà Nội có mức giá tối thiểu từ 21 triệu đồng/m2 trở lên.

Tới việc doanh nghiệp cần chung sức cùng khách hàng

Theo thống kê, chỉ 3 năm nữa thôi, thế hệ Y (những người sinh trong giai đoạn 1986 – 2000) sẽ là thành phần lớn nhất, chiếm tới 43,4% trong tổng lực lượng lao động tại Việt Nam. Khác biệt với thế hệ đi trước, những người trẻ hiện nay thể hiện tiềm năng mạnh mẽ, có sự thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp và xu hướng tăng nguồn thu nhập cao hơn.

Điều này dẫn đến lượng khách hàng trẻ tham vọng mua nhà lần đầu gia tăng đáng kể. Hơn nữa, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có hơn 50.000 người lập gia đình mới, nên nhu cầu nhà ở từ các cặp vợ chồng trẻ này cũng rất lớn. Giới trẻ chọn hướng đi mua nhà vì lối sống tự lập, tách khỏi sự phụ thuộc và quản lý của gia đình, nhằm xây dựng sự nghiệp và cuộc sống riêng, đồng thời tích lũy thêm kỹ năng sống và là sự đầu tư cần thiết cho tương lai ổn định lâu dài.

Với tiềm năng lớn như vậy, theo GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhu cầu nhà ở vừa tầm tiềncủa Việt Nam ngày càng bức thiết bởi. Theo đó, Việt Nam đang bước vào cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động. Kéo theo đó là như cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Đặng Hùng Võ, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả về nguồn cung lẫn cầu. Sau khi gói vay kết thúc, Chính phủ có quyết định mức cho vay ưu đãi nhà ở xã hội nhưng việc triển khai vẫn dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn. Trên thực tế, Chính phủ mới giải quyết được gói tín dụng ưu đãi tiếp theo ở mức 1.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Nhưng những dở dang, đứt đoạn của việc thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng này vẫn là vấn đề lớn. Chính vì thế, chính sách nhà ở xã hội đang không phát triển thêm được, khi chưa có gói tín dụng thay thế gói 30.000 tỷ đồng. Do đó, trong bối cảnh hiện nay cần phải xây dựng cơ chế khuyến khích sẽ đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng có nhu cầu cao trong xã hội.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, nếu không có những hỗ trợ ưu đãi, nhóm khách hàng trẻ này gặp quá nhiều trở ngại để sở hữu một căn nhà. Cụ thể, để mua được nhà, khách hàng phải huy động được trong tay số vốn đáng kể - khoảng 70% giá trị căn hộ sau đó vay ngân hàng để trả góp, đặt lên vai gánh nặng tài chính. Số lượng dự án nhắm trực tiếp tới nhóm khách hàng trẻ và có những ưu đãi dành riêng cho họ cũng không nhiều.

Ông Đính cho biết, hiện nay, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền với đại đa số người dân đều đã được cơ quan quản lý tính đến. Tuy nhiên, để đi đến thực tiễn cần có một thời gian dài nữa. Trong khi đó, nếu cứ chờ đợi, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội rất lớn với nhóm khách thuộc đại đa số người có nhu cầu ở thực dưới đây.

Do đó, từ góc độ của Hội, bàn về giải pháp sắp tới, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc kết nối với các nhóm khách hàng, chấp nhận chịu thiệt để mang tới nhiều lợi ích hơn trong dài hạn. "Đó cũng là cốt lõi của việc triển khai chương trình tuần lễ ưu đãi vàng RedFriday do Hội phát động vào ngày 7/12 sắp tới đây. Với những chiết khẩu lớn mà chủ đầu tư tham gia đưa ra có thể lên tới 30%, người mua nhà hoàn toàn có cơ hội để sở hữu những căn nhà vừa túi tiền của mình" - ông Đính nhấn mạnh.

  • Nhà ở giá rẻ còn nhiều thách thức

    Nhà ở giá rẻ còn nhiều thách thức

    CafeLand - Tại hội thảo về nhà ở bình dân mới đây, các chuyên gia đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả triển vọng và thách thức trong quá trình phát triển loại hình bất động sản này. Muốn giải quyết những thách thức đó, đa số các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh nỗ lực của tất cả các bên liên quan, đổi mới nhận thức, huy động nhiều nguồn lực để phân khúc này phát triển lành mạnh.

Thuần Hưng (Kinh tế đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.