03/07/2023 8:21 PM
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội là do các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội chưa chặt chẽ khiến người mua “lách luật”.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý bổ sung một số quy định về chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong đó, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đã nêu lý do vì sao vẫn diễn ra tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội.

Lỗ hổng trong quản lý đối tượng được mua nhà ở xã hội

Theo ông Châu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng thực ra là chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế cuộc sống khiến người mua “lách luật”.

Theo quy định, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”. Tuy nhiên, quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.

Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội là do các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội chưa chặt chẽ khiến người mua “lách luật”.

Hiệp hội kỳ vọng trong thời gian tới, sau khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” thì mới kiểm tra được điều kiện đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”.

Ngoài ra, luật quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu.

Điều này tạo ra kẽ hở trong việc nhờ người thân đứng tên sở hữu nhà. Như vậy, người mua có thể chứng minh được mình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở, nhưng ở chật.

Tiêu chí về điều kiện thu nhập là nguyên nhân chủ yếu

Một nguyên nhân khác theo HoREA đến từ tiêu chí điều kiện về thu nhập của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. Luật quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

“Quy định này có các lỗ hổng và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu ở trong các chung cư nhà ở xã hội vừa qua”, ông Châu cho biết.

Theo HoREA, trên thực tế, nhiều người làm thêm nghề tay trái nhưng tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với nghề tay phải thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức. Do đó, người này vẫn hội đủ điều kiện về thu nhập (không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân) để được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

“Bởi lẽ, Luật Nhà ở chỉ quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương, mà không tính các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương”, chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Ngoài ra, Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp, trong đó miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp có thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và thu nhập từ kiều hối.

Theo Hiệp hội, đối với khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của người về hưu, già yếu, mất sức lao động, hoặc số tiền kiều hối có giá trị không lớn để cải thiện cuộc sống thì quy định miễn thuế thu nhập cá nhân là rất chính xác và nhân văn. Nhưng quy định này sẽ không hợp lý khi cho miễn, không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập rất lớn từ lãi tiền gửi tiết kiệm hoặc từ kiều hối.

Ông Lê Hoàng Châu lấy ví dụ, ông A gửi tiết kiệm 50 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng với lãi suất tiết kiệm 9%/năm nên cuối năm được nhận lãi tiền gửi 4,5 tỷ đồng hay ông B vừa nhận được khoản kiều hối 100.000 USD tương đương 2,4 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì 2 người này đều được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Nếu ông A và ông B chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình mà lại có lòng tham thì ông A và ông B sẽ hội đủ điều kiện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương.

Trong khi đó, thu nhập từ lãi tiền gửi và kiều hối cũng không phải là các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, nên hai người được công nhận là đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Vì vậy, HoREA cho rằng rất cần thiết sửa đổi các điều luật chưa phù hợp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Chỉ đến khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 thì lúc đó việc xác nhận điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập mới chính xác.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.