02/06/2022 2:03 PM
Đại biểu quốc hội đề nghị phân tích rõ nguyên nhân các ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu, quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không.

Dòng tiền "dễ dãi" khiến nợ xấu tăng?

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 1/6 của các đại biểu Quốc hội về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Đại biểu phân tích những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên, trong đó một phần đáng kể của dòng tiền “dễ dãi” đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích.

Đại biểu đặt câu hỏi liệu có tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản, tài chính nói chung khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp.

Theo đại biểu, thu ngân sách Nhà nước từ các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu và toàn thị trường tài chính tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng và tích tụ rủi ro, làm tăng tính dễ tổn thương cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.

Thí điểm xử lý nợ xấu là tạo ưu ái cho ngân hàng?

Cũng có đại biểu cho rằng nợ xấu có nhiều nguyên nhân, cần đánh giá thêm nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong chính sách. Đồng thời đề nghị phân tích rõ hơn các ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu; như vậy quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không, cũng như thực trạng dư luận bức xúc về cách thu nợ, đòi nợ của các công ty tài chính.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh chỉ ra rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, các ngân hàng vẫn lãi lớn. Đại biểu băn khoăn vậy có phải thí điểm xử lý nợ xấu là tạo ưu ái cho ngân hàng, trong khi cả nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, cần được chia sẻ.

Quý đầu năm 2022, nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận lãi kỷ lục, trong đó quán quân lợi nhuận thuộc về VPBank với hơn 11.000 tỷ, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả khảo sát báo cáo tài chính của 27 ngân hàng cho thấy, tổng lợi nhuận đạt gần 68.000 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với quý 1/2021, tương đương tăng 31%. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.

Phân tích về nguyên nhân tăng trưởng, báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cao chưa từng có, với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn. Các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao (ngoại trừ HDBank) có số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng. Tại thời điểm cuối quý 1/2022, SSI ước tính, số dư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất là ở các ngân hàng Techcombank, MB, VPBank, TPBank và SHB.

Tuy nhiên, các chuyên gia SSI cũng đánh giá, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi, nguyên nhân một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ xấu sau khi hết thời hạn. Dư nợ tái cơ cấu do đó đã giảm ở hầu hết ngân hàng. Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của các ngân hàng cũng tăng tương đối mạnh.

  • HoREA kiến nghị về chuyển nhượng dự án xử lý nợ xấu

    HoREA kiến nghị về chuyển nhượng dự án xử lý nợ xấu

    Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về sự không thống nhất giữa Nghị quyết số 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng so với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.