Vành đai 4 TP.HCM được đề xuất gom thành 1 - 2 dự án lớn để thuận tiện đầu tư
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 200km đi qua địa bàn 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.
Dự án này đã được quy hoạch từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 105.000 tỉ đồng.
Hiện nay, dự án được Chính phủ giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn đi qua địa bàn theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, phần qua Long An dài hơn 78 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1 km, TP.HCM khoảng 17,3 km.
Giai đoạn đầu, tuyến đường được giải phóng mặt bằng một lần với quy mô hoàn chỉnh và xây trước 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có tuyến Vành đai 4 đi qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề xuất phương án nên gom tuyến đường vành đai 4 thành 1 – 2 dự án lớn và giao cho một địa phương làm đầu mối triển khai chung cho toàn dự án.
Theo ông Cường, hiện nay dự án được chia nhỏ thành các đoạn nên gặp khó khăn trong việc triển khai đồng bộ. Trong khi đó, nếu gộp lại thành một dự án lớn sẽ thuận tiện để mời gọi đầu tư, thống nhất trong triển khai và vận hành, thu hồi vốn sau này.
Cụ thể, nếu thực hiện theo phương án này, chi phí xây dựng tuyến vành đai hiện tính toán sơ bộ hơn 47.000 tỉ đồng, khi triển khai ngân sách tham gia khoảng 50% hoặc đề xuất tỷ lệ cao hơn. Phần còn lại khoảng 25.000 tỉ đồng kêu gọi nhà đầu tư sẽ tương đối khả thi.
Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể chia theo các tỉnh, thành thực hiện. Tùy khả năng cân đối vốn của mỗi địa phương sẽ đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 4 sau khi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.
Đây là tuyến vành đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho các tuyến giao thông nội đô, hình thành tuyến giao thông kết kết, hành lang vận chuyển hàng hoá, logistis.
Đồng thời những dự án hạ tầng lớn như Vành đai 4 cũng sẽ mở ra các không gian mới để hình thành nên các khu đô thị, khu công nghiệp vệ tinh.
Trong năm 2023, tuyến Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An có chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng cũng đã được khởi công xây dựng.
Theo kế hoạch dự án kiến, Vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025 và đi vào khai thác vận hành từ năm 2026.
-
Năm 2028 sẽ xong đường Vành đai 4 TP.HCM?
Theo kế hoạch của Sở GTVT TP.HCM dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ khởi công vào năm 2024, hoàn thành toàn bộ vào năm 2028.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).