CafeLand – Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 844,2 tỷ đồng, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo giải trình của Sacombank, lợi nhuận quý 1/2019 tăng mạnh do mảng tín dụng tiếp tục là trụ cột và là lực đẩy chính của Sacombank khi đem về 2.458 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 785 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các khoản thu nhập từ các hoạt động khác có sức tăng trưởng ấn tượng ở mức tăng 412,2 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ đạt 642 tỷ đồng, tăng 18%; thu kinh doanh ngoại hối đạt 113 tỷ đồng, tăng 109,3%...

Tính đến hết ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Sacombank đạt 425.033 tỷ đồng (tăng 4,7% so với đầu năm), cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 271.020 tỷ đồng, tăng 5,6%. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh trong quý với hơn 377 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tiếp tục giảm từ 2,11% xuống mức 2,08%.

Theo tài liệu mới công bố, trong Đại hội đồng cổ đông vào ngày 26/4, Sacombank đề ra kế hoạch năm 2019 đều tăng trưởng so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 455.500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 298.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%; trong đó, cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%.

Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18%, phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

HĐQT cũng sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch chia cổ tức 2019 theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% lợi nhuận sau thuế, trích lập quỹ dự phòng tài chính 10% sau khi trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Năm 2019, Sacombank dự kiến đầu tư thêm 1.660 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài sản cố định 799 tỷ đồng và 861 tỷ đồng để bổ sung vốn cho công ty con, ngân hàng con và thành lập công ty con mới. Ngân hàng cũng đề xuất cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh với hai hoạt động mới là kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất và mua nợ.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông kỳ vọng được chia cổ tức, dù tỷ lệ thấp. Một cổ đông cho rằng, HĐQT Sacombank nên giảm tỷ lệ thù lao từ 2% trên tổng lợi nhuận vượt để lấy 1% chia cho cổ đông. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, Sacombank đang giai đoạn tái cơ cấu nên theo quy định NHNN không được chia cổ tức. Quỹ tích lũy cổ tức của Sacombank đến nay còn 2.700 tỷ đồng và Sacombank cũng đã nỗ lực trong việc trình xin NHNN để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, điều này đang chờ ý kiến của NHNN.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, sau khi sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh từ 1,16% lên 5,75% vào cuối năm 2015 và tiếp tục tăng lên 6,81% trong năm 2016. Thế nhưng chỉ sau nửa năm tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đến cuối năm 2017 đã được kéo giảm xuống còn 4,59%, thông qua việc xử lý và thu hồi gần 20 ngàn tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Trong đó, có khá nhiều tài sản đảm bảo có giá trị lớn được ngân hàng này thanh lý thành công, điển hình như dự án BĐS tại Khu công nghiệp Long An với giá trị 9.200 tỷ đồng. Năm 2018, Sacombank xử lý thêm gần 12.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, cũng như các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Không chỉ nỗ lực xử lý nợ xấu, Sacombank cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng theo định hướng cho vay đa dạng và phân tán, đẩy mạnh cảnh báo rủi ro, nâng cao công tác thẩm định, quản lý và giám sát chặt chẽ sử dụng vốn vay. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu đã đạt mục tiêu giảm xuống dưới 3%, chỉ còn 2,11%. Và tại thời điểm 31/3/2019, nợ xấu của Sacombank tiếp tục được kéo giảm xuống mức 2,08%.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.