08/09/2023 2:49 PM
UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình Ban Thường vụ Thành ủy về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó có đề xuất được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

Ảnh minh hoạ

Mục đích của đề xuất này, theo UBND TP. Hà Nội là để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan Trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.

Cũng tại Tờ trình này, Hà Nội đề xuất chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô.

Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ, nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng.

Việc phát triển nhà ở xã hội ở Thủ đô được thực hiện theo mô hình căn hộ chung cư phù hợp với điều kiện về đất đai, dân cư của Thủ đô và quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND TP. Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị.

Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết được thực hiện cùng một thời điểm.

Việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.

Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội phải thực hiện theo quy định bố trí vốn ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, UBND TP Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc Thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án.

Ngoài ra, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Thời hạn này chỉ áp dụng đối với chung cư mới xây dựng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Đối với các trường hợp nhà chung cư buộc phải phá dỡ do hết thời hạn sử dụng hoặc buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm xây dựng lại hoặc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.

Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư không xây dựng lại hoặc không lựa chọn được nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư thì UBND TP. Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng và các quy trình để xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Về đầu tư tư nhân, UBND TP. Hà Nội đề xuất cho phép thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án sau đây: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; khu công nghệ cao.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.