Đa số dự án BT, BOT giao thông không thực hiện đúng quy định về xây dựng và không công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Ảnh: Tiên Giang
Từ các kết luận thanh tra, TTCP đã đưa ra câu trả lời cho các cấp quản lý về việc vì sao các dự án BT, BOT giao thông lại “dậy sóng” thời gian qua.
Chỉ rõ nhiều nguyên nhân
Từ tháng 6 đến tháng 9/2017, TTCP đã công bố 3 kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án BT, BOT do TP.HCM, Hà Nội và Bộ GTVT quản lý.
Theo các kết luận thanh tra của TTCP, hầu như tất cả các dự án BT, BOT được thanh tra đều không thực hiện đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư; đa số công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, thậm chí nhiều dự án BOT tại TP.HCM như Dự án Nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, Dự án Xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ, Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội… còn không công bố danh mục dự án đầu tư. Kết quả thanh tra cũng cho biết, các dự án BT, BOT đều có chung tình trạng là quyết định chủ trương đầu tư bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch.
Đáng chú ý, gần như tất cả dự án BT, BOT đều chưa có đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng giao thông, từ đó có cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết và lộ trình đầu tư theo từng loại hợp đồng đầu tư.
Đặc biệt, đa số dự án BT, BOT được lập thời gian qua vẫn nặng tiêu chí hoàn vốn; thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định chủ trương đầu tư. Điều này làm phát sinh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông tìm cách tránh trạm thu phí do các dự án hầu hết được thực hiện ở những khu vực có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn.
Cũng qua thanh tra, TTCP còn phát hiện việc xác định doanh thu theo phương án tài chính tại một số dự án còn thiếu chuẩn xác. Doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính. Việc này tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.
Làm gì để tránh xung đột lợi ích?
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia về giao thông cho rằng, những đóng góp của các dự án BOT, BT thời gian qua đối với phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh ngân sách trung ương và địa phương (kể cả 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM) đều hạn chế. Việc tiếp tục triển khai các dự án theo hình thức PPP vẫn là giải pháp tất yếu, hữu hiệu để bổ sung sự thiếu hụt của ngân sách nhà nước khi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, để không gây ra các phản ứng trái chiều từ dư luận như thời gian qua, việc thực hiện các dự án PPP thời gian tới (đặc biệt là theo loại hợp đồng BT, BOT) cần phải đảm bảo những nguyên tắc cốt lõi.
Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mâu thuẫn, sự va chạm “lợi ích” giữa nhà đầu tư PPP với người sử dụng là khó tránh khỏi vì để hoàn vốn cho dự án thì nhà đầu tư phải thu phí, trong khi người sử dụng luôn mang tâm lý thích “sử dụng miễn phí”. Vấn đề là để tránh được những va chạm này thì cần phải hài hòa các yếu tố lợi ích giữa nhà đầu tư và người sử dụng, không để các mâu thuẫn tiềm ẩn trở thành xung đột. Muốn vậy, cần phải lựa chọn các dự án hấp dẫn, bảo đảm nguồn thu, có tính khả thi cao trong thu hồi vốn đầu tư. Trên cơ sở danh mục các dự án đầu tư, cần ưu tiên những dự án có khả năng thực hiện theo hình thức PPP, còn những dự án khó đảm bảo nguồn thu thì phải dùng vốn ngân sách nhà nước, không làm PPP bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, cần phải công khai một cách rõ ràng và thực chất danh mục dự án đầu tư để người dân và toàn xã hội biết; công bằng, minh bạch, giảm thiểu chỉ định thầu dưới mọi hình thức trong lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, nhà đầu tư phải tính đến quyền lợi của người dân trong khu vực dự án; cân nhắc các tác động, mức độ ảnh hưởng đến đời sống người dân khi dự án vận hành. Và điều quan trọng là khi hoàn thành dự án thì phải công khai các chi phí thực hiện để người dân và xã hội được biết, giám sát.
-
Hà Nội chỉ đạo khẩn về tiến độ 2 dự án BT
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 588 về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ thực hiện và những nội dung vướng mắc tại 2 dự án đầu tư công trình giao thông theo hình thức BT....
-
Thái Bình dừng hợp đồng BOT dự án tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng từ thành phố đi cầu Nghìn
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp với các sở, ngành và đại diện liên danh nhà đầu tư về đàm phán thỏa thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Ng...
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án BOT giao thông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án do các địa phương quản lý....