CafeLand - Nợ xấu “dềnh lên” năm 2020 là tình hình chung của hầu hết các ngân hàng trên thế giới. Các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng ghi nhận tình hình tương tự đến hết quý III/2020, mức dư nợ xấu tăng 30,5% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã kiểm soát được nợ xấu một cách đầy cách bất ngờ.

Nợ xấu “bốc hơi”

Đối với toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%.

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2020 của 25 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu các ngân hàng đến thời điểm 30/9 đã tăng 30,5% so với cuối năm trước với gần 110.750 tỷ đồng.

Đến hết tháng 9/2020, BIDV giữ vị trí "quán quân" về nợ xấu với 22.526 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm trước. Hai "ông lớn" quốc doanh khác là VietinBank và Vietcombank đứng lần lượt ở ví trí thứ hai và thứ tư với quy mô nợ xấu là 18.048 (tăng gần 67%) và 7.885 tỷ đồng (tăng gần 36%). VPBank ở vị trí thứ ba trong các ngân hàng, cũng là ngân hàng tư nhân có số nợ xấu lớn nhất với 10.147 tỷ đồng (tăng 15,3%).

Báo cáo tổng kết năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Vietcombank gây nhiều bất ngờ nhất khi kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là mức thấp nhất toàn ngành với chỉ 0,6% trên tổng dư nợ.

Trong khi trước đó, theo Báo cáo tài chính quý III/2020, ngân hàng có 7.885 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,01% dư nợ cho vay khách hàng, tăng đáng kể so với mức 0,79% hồi cuối năm 2019. Như thế, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm một nửa chỉ trong 3 tháng, thậm chí còn thấp hơn 0,2% so với năm 2019.

VietinBank cũng gây bất ngờ không kém khi nhà băng này báo lãi trước thuế hơn 16.400 tỷ trong năm 2020, đồng thời tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 1% - thấp hơn cả cuối năm 2019.

Trong khi trước đó, đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu nội bảng của VietinBank là 17.949 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý II và tăng tới 66% so với đầu năm. Với tỷ lệ nợ xấu cuối quý III/2020 của ngân hàng là 1,87%, ngân hàng cũng đã giảm gần một nửa số nợ xấu trong 3 tháng.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, VietinBank cũng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC - vốn là con số khá lớn - hơn 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng tăng lên 130%.

Còn BIDV, tuy không thông báo cụ thể số nợ xấu nhưng cho biết "được kiểm soát trong giới hạn". Năm 2021, nhà băng này đặt mục tiêu tỷ nợ xấu kiểm soát dưới 1,6%. Tuy nhiên, trong trong Báo cáo tài chính quý III/2020, BIDV có 21.525 tỷ đồng nợ xấu, tăng 10,41% so với đầu năm, nợ nhóm 5 tăng 26% lên 14.315 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,75% lên 1,88% đến hết tháng 9/2020.

Các ngân hàng tìm cách “đẩy” nợ

Mới đây, Chính phủ đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng. Trong đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN là dưới 5%.

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ.

Việc trích lập quỹ dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Những nhà băng đẩy mạnh trích lập trong năm trước sẽ ít chịu áp lực từ việc sửa đổi Thông tư 01 và đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2021. Đó cũng là lí do lớn khiến các ngân hàng chọn phương án trích lập số tiền lớn quỹ dự phòng, giảm lợi nhuận tăng trưởng để “đẩy” nợ xấu trong năm 2020 (trước khi thông tư 1 hết hiệu lực)

Tại Vietcombank, năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng được nâng lên gần 380%. Tức 1 đồng nợ xấu thì ngân hàng này có tới 3,8 đồng để dự phòng và sẵn sàng xử lý nếu cần. Đây là mức bao nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng.

Tại Vietinbank, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng ở mức khoảng 130%, cao hơn 10% so với năm 2019 và hơn 37% so với năm 2018.

Riêng BIDV báo giảm lợi nhuận hợp nhất giảm 16%, còn 9.017 tỷ đồng trong năm 2020. Ngân hàng này cho biết đã giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng,
Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.