10/12/2020 3:36 PM
CafeLand - Nợ xấu đang là vấn đề nhức nhối cho các ngân hàng, nhất là trong giai đoạn đại dịch đang ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế. Thời gian qua dù việc xử lý nợ xấu được thực hiện một cách khá quyết liệt.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn được xem là khá chậm chạp và kém hiệu quả. Do đó, việc đẩy nhanh quá trình xử lý đang là một đòi hỏi bức thiết. Những tài sản “chết” trong nợ xấu được kỳ vọng sẽ được hồi sinh và trở thành nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế.

Tiềm năng thị trường lớn

Nguồn hàng nợ xấu luôn dồi dào và không ngừng “dềnh” lên. Đặc biệt khi Thông tư 01/2020 của NHNN về việc miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hiệu lực, nợ xấu trong các ngân hàng dự kiến sẽ bùng nổ trong năm 2021-2023.

Đa phần các khoản nợ xấu đều có tài sản thế chấp là các bất động sản, trong đó nhiều tài sản có giá trị cao. Tuy nhiên, vì rất nhiều các lý do khác nhau việc xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng gặp nhiều khó khăn. Do đó, nợ xấu cứ ngày càng phình to.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện vẫn đang “sở hữu” một khoản nợ xấu khổng lồ. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu lại đang diễn ra quá chậm chạp và chưa thực sự hiệu quả.

Trong khi đó, các khoản nợ xấu cũng luôn được rất nhiều tổ chức nước ngoài dòm ngó đến vì nó có thể là “mỏ vàng” của các doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn, Công ty Nhật Bản sở hữu nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý những khoản nợ có vấn đề (NPLs) - Samurai Power rót 31 triệu USD mua lại một lượng cổ phần của IDS Equity Holdings (Việt Nam). Cách đi của nhà đầu tư này là tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp, bơm thêm tín dụng cũng như theo đuổi các chiến lược M&A để thu lợi nhuận.

Công ty Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng thế giới cũng đầu tư 65 triệu USD vào Altus Corporation, nhằm xây dựng chương trình khôi phục giá trị cho tài sản xấu tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Có thể thấy, nhu cầu mua nợ xấu trên thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, vì rất nhiều các lý do khác nhau mà các tài sản là nợ xấu này rất ít được giao dịch.

Kỳ vọng chính sách mới

Để thị trường mua bán nợ hình thành và đi vào hoạt động, cần có hàng hóa, người mua, người bán, cơ chế quản lý hoạt động và tiếp cận thông tin và hành lang pháp lí chặt chẽ cho việc mua bán nợ.

Tại các ngân hàng, việc xử lý các tài sản đảm bảo rất khó khăn. Các ngân hàng phải phát mãi hàng loạt tài sản đảm bảo từ bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị đến cả… cây dừa, cây xoài để xử lý và thu hồi nợ.

Nguồn cung lớn nhưng nguồn cầu lại phát triển chưa tương xứng. Chủ yếu nguồn cầu chỉ là các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (AMC), Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ tài chính và VAMC của Ngân hàng nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài chưa thực sự tham gia vào thị trường này.

Nguyên nhân là do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua nợ quá cao, khó cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào. Giá chào mua không có sự cạnh tranh. Bên bán rơi vào tình trạng yếu thế trong việc đàm phán, quyết định giá bán, khiến các khoản nợ này không bán được với mức giá tương xứng.

Thông tin thị trường, kết nối các nhà đầu tư cũng là một vấn đề lớn. Hiện nay vẫn còn thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, minh bạch, đầy đủ thông tin. Rất nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ, nhưng không biết mua ở đâu. Thị trường nợ cũng chưa hình thành đúng nghĩa là do chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, thiếu các đơn vị định giá, đánh giá mức độ tín nhiệm các khoản nợ, cũng như thiếu dữ liệu về các khoản nợ xấu.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC, định hướng VAMC trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu. Hướng đến mục tiêu thành lập và đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ giai đoạn 2021-2025. Trước quyết định này nhiều người kỳ vọng thị trường nợ xấu của Việt Nam có thêm cơ sở để phát triển và giúp cho nợ xấu, những “tài sản chết” trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng
Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.