CafeLand - Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong năm 2021.

Trong đó, VEPR nghiêng về kịch bản cơ sở, bệnh dịch không lan rộng trong phần lớn thời gian của năm và kinh tế nội địa tiếp tục hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia.

Theo đó, mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 – 5,8%.

Trong kịch bản thứ hai là kịch bản bất lợi. Ở kịch bản này, dịch bệnh trong nước bùng phát với biến thể mới của virus Covid-19 trong năm 2020 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, dù các nỗ lực đưa vaccine vào đời sống đã diễn ra, nhưng hiệu quả tới người dân chưa đạt quy mô lớn. Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi.

Do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch. Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu. Theo kịch bản thận trọng, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

“Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 – 5,8% trong cả năm 2021”, VEPR cho biết trong kịch bản.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý cả hai kịch bản nói trên đều giả định hệ thống y tế trong nước vẫn chống chọi được với dịch bệnh. Nếu quy mô dịch bệnh vượt quá tải của hệ thống y tế, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khó dự báo được hậu quả.

Ngoài ra, báo cáo VEPR còn nhận định GDP Việt Nam năm 2020 chỉ tăng 2,91% trong khi tăng trưởng cung tiền ở mức 12,6% là một dấu hiệu đáng lo ngại. Cơ quan này đề cập đến ba khả năng.

Một phần tăng trưởng tín dụng nhờ vào cơ cấu gia hạn hay đảo nợ đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, không trả được đúng hạn. Theo Ngân hàng Nhà nước, đã có khoảng 355 nghìn tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại.

Hai là một lượng tiền lớn đã được hấp thụ bởi trái phiếu chính phủ, trong năm 2020, Kho bạc nhà nước đã phát hành một lượng trái phiếu với trị gía khoảng 219 nghìn tỷ và chủ yếu được mua bởi các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, dòng tiền tín dụng không trực tiếp vào nền sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản.

Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Khu vực sản xuất không phải là đối tượng chính được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách tiền tệ mở rộng.

VEPR cho rằng, trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước đã ba lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai. Nhưng nước sang năm 2020, VEPR cho rằng không gian chính sách không còn rộng rãi, điều nầy khiến chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội sẽ gặp nhiều hạn chế hơn.

Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.