CafeLand - Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), triển vọng kinh tế những cuối năm phụ thuộc nhiều vào tốc độ tiêm chủng vacxin và các gói hỗ trợ. Dựa trên tình hình thực tiễn hiện nay, VEPR đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế.

Triển vọng kinh tế những cuối năm phụ thuộc nhiều vào tốc độ tiêm chủng vacxin và các gói hỗ trợ.

Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng trở lại

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2021 của VEPR cho thấy, sau khi duy trì mức lãi suất thấp vào giữa quý 1, lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh vào cuối tháng 4/2021, với lãi suất qua đêm đạt mức cao nhất 1,54% vào ngày 31/5 và lãi suất một tuần đạt mức cao nhất 1,67% vào ngày 28/5.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VEPR cho rằng, đây chỉ là hiện tượng mang tính chất thời vụ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, trong khi thanh khoản của toàn hệ thống vẫn khá dồi dào.

Mặt khác, do ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ tư, cầu tín dụng dự kiến sẽ giảm. Dự kiến lãi suất liên ngân hàng sẽ ổn định trở lại trong tháng 7.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 có thể đạt 5,5-6,0%, cao hơn mức tăng 3,6% trong 6 tháng năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch tăng 7,4% trong 6 tháng 2019.

Mặt khác, tính đến ngày 15/6/2021, cung tiền tăng 3,96% so với đầu năm. Mặc dù khoảng cách giữa tăng trưởng cho vay và tăng cung tiền đã nới rộng trong ba tháng qua, nhưng lãi suất liên ngân hàng đã ổn định trở lại vào tháng 6/2021.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng tăng 5,47% so với đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng huy động tăng 3,13% so với đầu năm 2021.

Tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu trong nửa đầu năm 2021. Cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên tăng 4,9% trong 6 tháng năm 2021, cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng chuyển sang các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với tăng trưởng tín dụng chung nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các loại hình tín dụng.

Về tín dụng cho lĩnh vực rủi ro, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng ở mức 5,5% so với cuối năm 2020 trong nửa đầu năm 2021. Cùng với bất động sản, tín dụng chứng khoán tăng 3% so với cuối năm 2020.

Trong khi đó, tín dụng cho các dự án BOT, BT giảm 1,7% so với cuối năm 2020. Số liệu cho vay tiêu dùng chưa được công bố nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng vào các phân khúc rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

Trong thời gian tới, dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ để tiếp sức cho nền kinh tế trong bối cảnh phức tạp của đợt bùng phát Covid-19 mới nhất.

Tuy nhiên, tốc độ tăng cung tiền chậm lại cho thấy Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu mở rộng tín dụng có chọn lọc.

Điều này hàm ý là sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch bằng các chính sách hiện thời, đồng thời thắt chặt kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro.

Thị trường trái phiếu sôi động

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỉ đồng/phiên, tăng 17,2%.

Ngân sách nhà nước đang thặng dư khoảng 80 nghìn tỉ đồng; giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 29% kế hoạch Chính phủ giao.

Cùng với đó, trong nửa cuối năm 2021, lượng TPCP đáo hạn chỉ bằng khoảng 38% lượng đáo hạn nửa đầu năm nên nhu cầu phát hành TPCP của KBNN sẽ không cao. Lợi tức TPCP dự kiến sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp.

Tính đến hết 30/6/2021, thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,36 triệu tỉ đồng, tăng 0,74% so với cuối năm 2020.

Giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt 11.611 tỉ đồng/phiên, tăng 13,05% so với năm 2020. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 1,66%. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 9.567 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Sáu tháng đầu năm 2021 có 306 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 186.683 tỉ đồng.

Nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỉ đồng. Trong đó, có 85,3% trái phiếu phát hành với kỳ hạn từ 2-4 năm, lãi suất thấp từ 3-4,2%.

Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 61.988 tỉ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, gồm Tập đoàn Vingroup 500 triệu USD và trái phiếu xanh của Công ty CP Bất động sản BIM 200 triệu USD.

Ba kịch bản cho cuối năm

Với diễn biến của tình hình bệnh dịch hiện tại, các chuyên gia của VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây.

Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố gồm: tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR đưa ra 3 kịch bản, với giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vắc-xin vào đầu quý 4/2021, khống chế được tình trạng tái bùng phát, hoạt động kinh tế được khôi phục, đồng thời căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị được làm dịu hơn.

Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.

Thứ nhất là kịch bản cơ sở. Theo đó, dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý 3/2021. Việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Thứ hai là kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021. Việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Cuối cùng sẽ là kịch bản bất lợi, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý 4, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng diễn biến phức tạp trước tình trạng lây lan phức tạp của dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của VIệt Nam.

VEPR cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch.

Các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

Thứ ba, chính sách tài khoa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
  • Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

    CafeLand - Tại Quốc hội ngày 22/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khiến kinh tế phục hồi không chắc chắn, nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao… bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.