Như công luận từng không ít lần đề cập, những phức tạp nảy sinh tại chung cư cao cấp Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến trong những ngày qua là hệ quả tất yếu bởi chính những sai phạm của đơn vị quản lý toà nhà này. Đó là nhận định của bà Trịnh Thúy Mai, Trưởng ban đại diện lâm thời của cư dân chung cư Keangnam với báo Đại Đoàn Kết.

Được biết UBND huyện Từ Liêm đã có cuộc làm việc với các bên liên quan đến vụ việc Keangnam, bà có thể cho biết sơ bộ kết quả của cuộc làm việc này?


Đây là buổi làm việc, lắng nghe các thông tin từ các bên liên quan của chính quyền, việc định giá cho các dịch vụ chưa được thống nhất ở đây. Mấu chốt vấn đề là chính quyền huyện Từ Liêm yêu cầu hai bên cùng thương thảo về giá. Trong thời gian chưa đi đến được thỏa thuận, Keangnam phải áp dụng mức giá theo Quy định 4520 của UBND thành phố Hà Nội; không được cắt bất kỳ dịch vụ thiết yếu nào để đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân.


Nhưng với mức giá 4.000 đồng/m2 thì theo bà, có thể bảo đảm dịch vụ cho 2 tòa nhà hiện đại như Keangnam không?


Tôi xin khẳng định lại, cư dân không đưa ra mức đóng 4.000 đồng/m2, mà yêu cầu tạm thu theo quy định của UBND TP. Hà Nội, cũng là điều mà Keangnam Vina đã ký kết với cư dân khi mua căn hộ. Tháng 8-2011, cư dân đã lập danh sách 44 điều yêu cầu trong các dịch vụ của Keangnam, trong đó thực tế chỉ là nâng cao dịch vụ, như làm sạch hơn, bố trí điều hòa ánh sáng hợp lý hơn, bảo vệ chuyên nghiệp và đảm bảo hơn, gia tăng một số tiện ích công cộng... Cư dân sẵn sàng đóng mức phí mà Keangnam yêu cầu. Tuy nhiên, phía Keangnam đã không thể đáp ứng các yêu cầu này của cư dân, trong khi vẫn kiên quyết yêu cầu dân đóng phí ở mức rất cao. Đó là lý do cư dân không chấp nhận trả tiền cao cho loại hình dịch vụ thấp, chất lượng kém. Một trong những yêu cầu của Sở Xây dựng, Sở Tài chính là Keangnam cần phải minh bạch, công khai tài chính, nhưng trong các buổi làm việc với Ban đại diện lâm thời cư dân, Keangnam luôn từ chối công khai tài chính với lý do "bí mật kinh doanh”.


Trả lời báo chí mới đây, chủ đầu tư đang kêu lỗ tới nửa triệu USD chỉ từ tháng 8 đến tháng 10? Và cũng nêu lý do là công ty cung cấp dịch vụ là công ty Hàn Quốc chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm nên giá thành sẽ cao hơn?


Đại diện chủ đầu tư phía Hàn Quốc đưa ra thông tin là có 780 căn hộ đã sử dụng/900 căn (chưa kể căn hộ đã bán nhưng chưa sử dụng). Trong một bản tạm kê các khoản chi mà phía Keangnam gửi cư dân, có nhiều chi phí rất vô lý, như chi cho nước uống công cộng trong 3 tháng 4+5+6 là 151.524.000 đồng (nước uống cho nhân viên quản lý đã được tính riêng), nhưng không ai thấy có bình nước công cộng. Hoặc tiền thuê máy photocopy, mua nước uống của 3 tháng này cũng lên tới 787.481.528 đồng, trong khi chi phí điện nước cung cấp cho cả hai tòa nhà là 699.122.173 đồng. Nếu chi như vậy, cho thấy năng lực quản lý của đơn vị quản lý toà nhà là rất có vấn đề, lãng phí và không hợp lý. Hay như vụ sửa chữa 10 thang máy bị hỏng do ngập nước, đúng là lỗ thật, song đó là do cách vận hành thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp của họ chứ sao lại đổ lên đầu dân.


Về chất lượng dịch vụ, tường vôi thì loang lổ, thang máy bẩn, không có đèn báo từng tầng, quy hoạch đường xe lên xuống chật hẹp dẫn đến liên tục bị tắc nghẽn...


Bà nhận định sao nếu Keangnam lại tiếp tục dừng thang máy, cắt dịch vụ? Và việc đưa đơn ra tòa án?


Nếu Keangnam tái thực hiện hành vi dừng thang máy, cắt dịch vụ là đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, được ghi rõ tại các văn bản của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương. Khi đó, tôi nghĩ Keangnam sẽ phải trả lời với các cơ quan chức năng. Cư dân Keangnam cũng đã đưa những sai phạm của Keangnam lên tòa án, các cơ quan chức năng và Đại sứ quán Hàn Quốc.


Chủ đầu tư Keangnam trần tình về mức phí

Trao đổi với báo giới xung quanh mức phí dịch vụ đang gây xôn xao dư luận, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cho biết: Keangnam Landmark Tower được bàn giao từ 20-3, đến nay đã có 780 hộ chuyển vào sinh sống, hiện chỉ có 320 trường hợp không đóng phí. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, chúng tôi miễn phí cho cư dân và đến tháng 8, các hộ dân mới bắt đầu đóng phí dịch vụ với mức 17.130 đồng mỗi m2. Từ tháng 8 đến tháng 10, chúng tôi mới chỉ thu được mức phí chưa đến 300.000 USD, trong khi đó, thực tế chi phí sử dụng lên đến 800.000 đôla. Như vậy, chúng tôi bị lỗ không nhỏ. Phí quản lý sẽ không có bậc thang cố định nào. Dự án có quy mô, trang thiết bị khác nhau thì phí sẽ khác nhau.

Quan điểm của chúng tôi là không bao giờ ép người dân phải đóng ở mức phí 17.130 đồng mỗi m2 như hiện nay. Nếu không đồng ý vận hành với mức phí này thì cư dân có thể đổi sang công ty mới, nhưng trước mắt trong quá trình chuyển giao, vẫn phải đóng phí.

Theo Nguyễn Nga (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.