Vài năm trở lại đây, đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt. Kéo theo đó là những ngôi nhà chọc trời mọc lên như nấm tại các thành phố lớn. Tỉ lệ nghịch với sự phát triển đó chính là chế tài của các cơ quan quản lý Nhà nước đang dần trở nên “lạc hậu”. Trong bối cảnh nhập nhèm đó, nhiều chủ đầu tư đã “thừa nước đục thả câu” khiến những cư dân “triệu đô” phải rơi lệ. Tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân những tòa nhà triệu đôla với vẻ ngoài hào nhoáng vẫn là những câu chuyện dài bất tận.
Khởi công xây dựng từ cuối năm 2007, dự án Charmvit Plaza tại số 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội do Công ty TNHH Hanoi Plaza Hotel thuộc Tập đoàn Charmvit, Hàn Quốc (sau đây viết tắt là Charmvit) làm chủ đầu tư. Công trình được hoàn thành cuối năm 2010 với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD. Tổ hợp tòa nhà 27 tầng này có hai tòa tháp được sử dụng làm khách sạn cao cấp và văn phòng cho thuê hạng A theo tiêu chuẩn quốc tế.


Tòa nhà Charmvit tại số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội


QUẢNG CÁO MỘT ĐẰNG

Theo quảng cáo, tòa nhà cao cấp này còn hội tụ tất cả những tính năng ưu việt nhất về thiết kế, cơ chế vận hành, nội ngoại thất nhiều hạng mục được dát vàng. Tổ hợp tòa nhà này được đánh giá là cao ốc hiện đại và là nơi làm việc, sử dụng lý tưởng bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự hào nhoáng bề ngoài, tổ hợp tòa nhà này đã hiện những bất cập đáng buồn.

Ông Trần Viết Giang - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty CP đầu tư tài chính quốc tế và phát triển doanh nghiệp IDJ (viết tắt là IDJ) cho hay: “Charmvit quảng cáo tòa nhà văn phòng này có tiêu chuẩn hạng A, đẳng cấp quốc tế. Qua thời gian sử dụng, chúng tôi thấy chất lượng không như quảng cáo. An ninh trật tự tại đây cũng chưa được đảm bảo, nhiều khách hàng vẫn bị mất cắp ngay trong khuôn viên tòa nhà”. Không chỉ ông Giang, nhiều đại diện khác như Công ty CP đầu tư Tonny (sau đây viết tắt là Công ty Tonny) địa chỉ tại tầng 16 cũng phản ánh nhiều bức xúc. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy những phiền muộn của khách hàng thuê văn phòng tại đây không phải không có cơ sở. Mặc dù được quảng cáo có mười một thang máy tốc độ cao dành cho khách và sáu thang cuốn sẽ mang lại sự nhanh chóng và tiện nghi cho khách thuê. Tuy nhiên, việc vận hành thang máy thiếu chuyên nghiệp tại đây liên tục thay đổi gây ra tình trạng có thang rất đông người sử dụng nhưng ngược lại lại có những thang thường xuyên không có người. Ngoài ra, với diện tích mặt bằng khá lớn, hầm để xe rất rộng, thế nhưng Charmvit chỉ bố trí hai thang máy từ hầm lên. Điều này gây rất nhiều phiền toái, mất thời gian cho người sử dụng. Cùng quan điểm với ông Giang là ông Nguyễn Văn Phú - Tổng giám đốc Công ty Tonny: “Phí dịch vụ chúng tôi vẫn phải thanh toán cho văn phòng tiêu chuẩn hạng A. Thế nhưng, chất lượng dịch vụ chưa xứng tầm quốc tế. Hệ thống điều hòa rất ồn, kém chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc. Chúng tôi đã phản ánh việc này tới Ban quản lý nhiều lần, nhưng chỉ nhận được những cái gật đầu qua quýt”. Được biết, thái độ phục vụ của nhân viên lễ tân, bảo vệ đôi lúc còn khiếm nhã. Bãi đỗ xe còn quá lộn xộn thậm chí bát nháo cũng là điểm mà khách thuê rất lo ngại.

“TỐI HẬU THƯ” CHO TÂN KHÁCH HÀNG

Ngày 24-3-2011, Công ty Tonny ký hợp đồng số 001/03/2011 thuê lại của IDJ (đơn vị thuê mặt bằng của Công ty TNHH Hanoi Plaza Hotel). Lô số F1607 tại tầng 16 có diện tích 107,70m2 chính là vị trí và diện tích mà hai bên đã ký hợp đồng. Tổng giá trị của hợp đồng cho 50 năm thuê được hai bên thống nhất gần 6 tỷ đồng. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hà Nội Plaza (16-5-2007). Ngày 27-10-2011, Công ty Tonny đã ký hợp đồng số 16/2011 với chủ đầu tư cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ cho toàn bộ tòa nhà. Charmvit đồng ý nhận cung cấp dịch vụ tòa nhà theo tiêu chuẩn dịch vụ văn phòng hạng A cho vị trí nói trên của Công ty Tonny. Thời hạn của hợp đồng là 47 năm tính từ ngày ký và phía Charmvit tính phí dịch vụ 5,5USD/m2/tháng (chưa bao gồm VAT), thanh toán 3 tháng/lần. Hợp đồng cung cấp dịch vụ nói trên được lập khá chi tiết và chặt chẽ. Ngày 15-11-2011, khi bản hợp đồng vừa ký thì Charmvit bất ngờ ra “tối hậu thư” thông báo cho Công ty Tonny biết về “sự vô hiệu” của hợp đồng nói trên. Lí giải về nguyên nhân ban hành “tối hậu thư” của mình, Charmvit thừa nhận họ đã có những sai sót nghiêm trọng trong bản hợp đồng ký kết với Công ty Tonny. Họ cho rằng đó là nguyên nhân dẫn tới những “sơ suất hiểu lầm” đáng tiếc cần phải được sửa chữa. Charmvit đã sửa sai lầm của mình bằng cách dùng biện pháp mạnh để “xử” khách hàng tiềm năng khi hợp đồng vừa ký chưa “ráo mực”.


Ấu trĩ nhất trong các lý do mà Charmvit nêu trong “tối hậu thư” là “hợp động ngày 27-10-2011 không thể hiện vị trí, diện tích và tầng của văn phòng Công ty Tonny”. Tonny đã chuyển dự thảo hợp đồng nói trên cho Charmvit hơn ba tháng trước khi ký kết. Ngay tại trang bìa và khoản 1.1 của điều 1 hợp đồng đã ghi rõ: “Cung cấp dịch vụ tòa nhà văn phòng lô F1607A, tầng 16, tòa nhà Charmvit”. Trong các debit note (đề nghị thanh toán) gửi cho Tonny, vị trí, diện tích, số tầng đều được Charmvit xác định rất rõ ràng. Trong quá trình Công ty Tonny sử dụng từ khi ký hợp đồng, không có bất kỳ sự tranh chấp nào liên quan đến vị trí sử dụng của công ty. Điều đó càng thể hiện rõ sự quá đáng trong cách đối xử với khách hàng của Charmvit. Điều 4 của hợp đồng quy định về việc điều chỉnh tăng giảm phí dịch vụ đã được hai bên hạ bút thống nhất. Thế nhưng trong “tối hậu thư”, Charmvit lại cho rằng đó chỉ là quan điểm một phía của Tonny. Ngày 17- 11-2011 (hai ngày sau khi ban hành “tối hậu thư”), Charmvit lại tiếp tục gây sức ép bằng cách tuyên bố chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Công ty Tonny từ ngày 18-11-2011.


“BỨC TỬ” KHÁCH HÀNG


Tháng 12-2011, Công ty Tonny có nhu cầu mở rộng văn phòng trong phạm vi đã thuê mặt bằng nhưng Charmvit vẫn vin vào những lý do như đã nêu trong “tối hậu thư” để từ chối ký hợp đồng. Cũng trong khoảng thời gian đó, Charmvit yêu cầu Tonny phải thanh toán phí dịch vụ trước thời hạn, bằng không sẽ cắt toàn bộ dịch vụ như: hệ thống điều hòa không khí, thang máy, hệ thống điện... Ngày 31-1-2012, trước thái độ cương quyết của Tonny, Charmvit đã thẳng tay cắt dịch vụ của khách hàng. Ngày 31-1-2012 chính là ngày làm việc đầu xuân, năm mới. Hành động của Charmvit không chỉ vi phạm hợp đồng mà còn hết sức thiếu tình người và không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam. Thuê mặt bằng trong khoảng thời gian 50 năm của IDJ và bị đơn vị cung cấp dịch vụ độc quyền tại tòa nhà xử ép, cắt dịch vụ; Tonny đã bị đẩy vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tonny Nguyễn Thị Thu Trang bức xúc: “Charmvit đã cắt dịch vụ của chúng tôi cả tháng nay. Hành động quá đáng của Charmvit đã đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh đi không được, ở không xong. Chúng tôi đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để thuê mặt bằng, nhưng giờ lại không thể sử dụng”.


Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” xảy ra tại Charmvit không phải là duy nhất.


“CÁ ĐỘ” ĐỂ LÀM TỪ THIỆN


Keangnam Hanoi Landmark Tower (sau đây viết tắt: Keangnam) là khu phức hợp khách sạn - văn phòng - căn hộ - trung tâm thương mại được khởi công cuối tháng 8-2007 và khánh thành phần thô vào tháng 7-2010 bởi Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc). Keangnam có tổng vốn đăng ký đầu tư là 1 tỷ USD. Công trình khởi công chưa được bao lâu thì tên tuổi của nó đã nổi như cồn khi được chủ đầu tư “đánh bóng” bằng vụ cá cược lên tới 100 tỷ đồng. Vụ cá cược về tiến độ thi công của Keangnam được cho là đình đám nhất lúc đó do một số kỹ sư, cựu chiến binh “ra kèo” và được đăng tải trên Báo Cựu chiến binh Việt Nam. Ngay sau khi thông điệp được phát đi, Chủ tịch Keangnam Ha Jong Suk lập tức phản pháo bằng cách tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu công trình không hoàn thành kịp thời gian kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Vụ cá cược trở nên khôi hài hơn khi Chủ tịch Ha Jong Suk đề xuất được cùng những người “ra kèo” ký cam kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, báo giới và các ngành liên quan. Theo đó, mỗi bên đặt cọc khoản tiền hoặc tài sản tương đương 100 tỷ đồng vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại Hà Nội để đảm bảo thực hiện cam kết. Phía Keangnam cho hay sẽ đặt cọc bằng 11 căn hộ tầng 6 tòa tháp 48 tầng và một căn hộ penthouse có tổng giá trị tương đương 100 tỷ đồng. Nếu tập đoàn này không hoàn thành công trình đúng như cam kết, Kho bạc Nhà nước Hà Nội sẽ bán số căn hộ. Trong trường hợp số tiền bán căn hộ không đủ 100 tỷ đồng, Keangnam sẽ bù thêm tiền. Keangnam cũng tuyên bố toàn bộ số tiền cá cược sẽ được sử dụng vào mục đích từ thiện...



Tòa nhà Keangnam với nhiều cái nhất đầy tai tiếng


Theo chủ đầu tư, Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới. Đây từng là dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ cần phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Có lẽ cũng vì thế mà Chủ tịch Ha Jong Suk đã ép tiến độ công trình và từ đó Keangnam được thêm một cái nhất: nhiều vụ tai nạn lao động chết người nhất.

Trong vòng chưa đầy một năm (từ tháng 7-2009 đến tháng 2-2010) tại Keangnam liên tục xảy ra tai nạn lao động làm 6 người chết, nhiều người bị thương. Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào tối 21-7-2009, hai công nhân Hoàng Văn Tạo (SN 1966, ở Kim Bôi, Hòa Bình) và Bùi Văn Dương (SN 1987, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) thuộc tổ cốp pha thuộc Công ty CP xây dựng số 1 Cofico đang làm việc tại sàn thi công tầng 15 tòa tháp A đã bị trượt rơi ra khỏi sàn cùng tấm cốp pha và tử vong. Sau đó một ngày (22-7), tại tòa tháp khách sạn 70 tầng, anh Võ Ngọc Hường (41 tuổi, quê Quảng Nam) trong quá trình giám sát đã giẫm vào một tấm ván, trượt chân ngã kéo theo một công nhân khác rơi từ tầng 5 của tòa nhà B xuống sàn tầng 4 tử vong. Số người tử nạn tại Keangnam tiếp tục gia tăng vào ngày 3-2-2010 khi anh Lê Đức Thắng (SN 1974, ngụ huyện Trực Ninh, Nam Định) bị ống thép tại công trình này văng trúng người dẫn đến tử vong. Chiều 22-2-2010, một cán bộ kỹ thuật trên công trường Keangnam tiếp tục bị cốt pha đổ đè vào người và qua đời sau đó ít giờ. Đó cũng là vụ tử nạn thứ 6 tại Keangnam kể từ khi công trình này đi vào thi công. Theo đó, ngày 26-2-2010 Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn diện về việc chấp hành các quy định về an toàn lao động tại Tổ hợp công trình xây dựng Keangnam Hanoi Landmark Tower. Đoàn thanh tra đã kết luận tại công trường xây dựng này có hàng loạt sai phạm như không lập và phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn chung cho công trình. Ngoài ra, Keangnam Hanoi Landmark Tower còn thiếu sự phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát để kiểm soát an toàn lao động... Về phía chủ đầu tư, ông Ha Jong Suk cho rằng kết quả điều tra tai nạn chủ yếu xảy ra do lỗi của người lao động và việc không tuân thủ quy trình an toàn lao động của các nhà thầu phụ.



Đã không ít lần, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội phải có mặt để giải quyết những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư


Ấn tượng về những vụ tai nạn lao động chết người chưa lắng xuống thì dư luận lại bị Keangnam thu hút bởi những vụ hỏa hoạn xảy ra liên tiếp. Sáng 6-11-2010 cháy tại tháp B của tòa cao ốc 70 tầng. Tiếp đó là vụ cháy ngày 24-3-2011 tại tầng 25 của Keangnam. Ngày 9-6-2011, tại tòa nhà A của Keangnam còn xảy ra sự cố vỡ trụ cứu hỏa khiến cư dân nhiều căn hộ ở tầng 26, 27... “bơi giữa trời”. Người ta hoảng loạn khi 10 thang máy bị tê liệt ngay sau đó... Gần đây nhất, khoảng 14 giờ ngày 27-8-2011 lửa lại bén vào tòa nhà cao nhất trong khu tổ hợp Keangnam. Khu vực xảy ra cháy được xác định tại hệ thống quạt thông gió, điều hòa tổng của tòa nhà. Khoảng 15 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hỏa mới cơ bản dập tắt được đám cháy.

NỖI SỢ HÃI MANG TÊN KEANGNAM


Nhắc tới những “cái nhất” của Keangnam không thể không kể tới mức phí dịch vụ khủng và những hành vi ngang ngược, coi thường cư dân... tại đây. Đơn vị quản lý tại Keangnam tự ý áp giá dịch vụ mà không có sự thỏa thuận với cư dân là không dân chủ và trái quy định của UBND TP. Hà Nội. Cư dân ở đây cho rằng Keangnam thu phí trông giữ ôtô, xe máy vượt cả chục lần giá trần. Phí dịch vụ cũng được áp tới 0,99USD, xấp xỉ 21.000 đồng/m2. Đây là mức phí kỷ lục đối với các chung cư từ trước tới nay. Sau nhiều lần cư dân đấu tranh gay gắt, Keangnam mới chịu hạ phí dịch vụ xuống còn 17.130 đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Cư dân Keangnam cho rằng mức giá này vẫn vượt giá trần (4,5 lần) theo quy định của UBND TP. Hà Nội. Ban đại diện lâm thời Keangnam đã gửi đi rất nhiều công văn yêu cầu chủ đầu tư phải bóc tách chi phí, thỏa thuận mức phí dịch vụ chung cho tòa nhà nhưng chủ đầu tư vẫn “im lặng là vàng”. Năm 2010, khi Keangnam bắt đầu đi vào khai thác, cư dân phải mua căn hộ với giá khoảng 3.000USD/m2. Thực tế khi người dân về sử dụng thì dịch vụ không được như mong đợi, sân chơi trẻ em, bể bơi và hệ thống an ninh không được đảm bảo đúng như cam kết.



Cư dân Keangnam vác loa phản đối chủ đầu tư vì mức phí dịch vụ “khủng”


Những căng thẳng giữa cư dân và đơn vị quản lý âm ỉ lâu ngày bị đẩy lên đỉnh điểm khi một cư dân của Keangnam bị côn đồ hành hung, phải đi cấp cứu ngay tại khu vực sân chơi công cộng dành cho trẻ em ở tầng 5 của hai tòa tháp A, B. Sự việc xảy ra khoảng 21 giờ ngày 18-11-2011, nạn nhân là anh Trần Thanh Hiền (SN 1972, trú tại căn hộ 1803 Keangnam). Trước đó, ban quản lý tòa nhà và nhân viên Công ty cổ phần đầu tư Mai Linh đang xếp bàn ghế chuẩn bị cho buổi khai trương căn hộ mẫu. Khu vực tổ chức sự kiện là sân chơi của trẻ em tại Keangnam nên cư dân đã ra ngăn cản. Trong số người phản đối có anh Hiền. Khi nhân viên ban quản lý và Công ty cổ phần đầu tư Mai Linh đang thu dọn bàn ghế thì bất thình lình có bốn người lạ, mặt mũi bặm trợn đi tới. Một trong số đó lao vào đánh anh Hiền tới tấp. Ba người còn lại thấy vậy cũng xông tới hành hung anh Hiền. Sự việc chỉ dừng lại khi anh Hiền bất tỉnh và có sự can thiệp của mọi người trong tòa nhà. Ngay sau đó anh Hiền được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị vỡ xương bánh chè. Khi sự việc xảy ra, mọi người đã gọi điện cho bảo vệ của tòa nhà nhưng rất lâu sau bảo vệ mới có mặt.



Dán biểu ngữ để phản đối chủ đầu tư tại Keangnam Ảnh C.T.V


Trước những bất cập về phí dịch vụ và chất lượng cuộc sống không được đảm bảo, nhiều người đã không đóng phí dịch vụ. Trưa 3-12-2011, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam cắt điện, khóa cửa thoát hiểm, hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Trước những diễn biến hết sức bất ngờ đó, nhiều người sau giờ làm việc đã không thể về nhà. Nhiều cụ già, trẻ nhỏ đã bị cô lập với người thân. Hàng trăm người đã mang cờ hoa, loa đài, biểu ngữ bố trí rải rác từ sảnh ngoài đến tận trong sảnh hai tòa tháp A, B để phản đối chủ đầu tư. Họ vây kín phòng làm việc của cơ quan quản lý yêu cầu giải thích. Một số người mang cả đồ ăn thức uống và mua chiếu trải xuống tận phòng ban quản lý để “tạm trú”. Những người khác còn mang cả bếp lò cùng than tổ ong để đốt ngay tại sảnh ra vào của hai tòa tháp A, B. Sau gần bốn giờ đàm phán cùng với sự can thiệp từ các cơ quan chức năng, ông Ha Jong Suk mới ký vào văn bản cam kết không hạn chế quyền sử dụng thang máy của người dân. Sự việc vừa nêu chỉ là một phần rất nhỏ trong chuỗi rắc rối diễn ra tại Keangnam. Mặc dù Keangnam mới được đưa vào sử dụng khoảng một năm nhưng tranh chấp về phí dịch vụ giữa chủ đầu tư và cư dân đã diễn ra liên miên.

Những rắc rối tương tự tại Keangnam không phải duy nhất và cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện. Khoảng tháng 7-2011, Keangnam bị các cơ quan chức năng phạt 50 triệu đồng vì thu phí vượt trần và yêu cầu đơn vị này chấm dứt ngay các hành động nói trên. Thế nhưng, chính cách làm theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” của các cơ quan có thẩm quyền càng khiến “căn bệnh” tại Keangnam nói riêng và tại các cao ốc khác nói chung trở thành... lờn thuốc. Một vài năm trở lại đây, tại các chung cư triệu đô đang xảy ra thực trạng: càng cao cấp thì tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ càng quyết liệt. Nhìn lại những vụ việc này, dư luận không khỏi chán nản khi bóng dáng của các cơ quan quản lý Nhà nước đang quá mờ nhạt để rồi sau cùng thì “trăm dâu vẫn đổ đầu... cư dân”.

Theo Công An TP.HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.