Việt Nam vẫn duy trì những lợi thế nhất định trong thu hút FDI
Sau khi chính quyền Trump công bố mức thuế quan 20% đánh vào hàng xuất xứ từ Việt Nam (và thuế 40% đối với hàng trung chuyển), có một số ý kiến bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của nó đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Mặc dù mức thuế này là không thấp và có thể ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá mức thuế trên chưa đủ mạnh để kích hoạt một xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam đến các quốc gia lân cận.
Công nghệ AI giúp Samsung đẩy nhanh việc tự động hóa sản xuất chip. Ảnh: TNO
Các quốc gia "đối thủ" trong khu vực nhiều khả năng cũng sẽ được áp dụng mức thuế suất không quá khác biệt do nhiều ngành hàng quan trọng cũng phụ thuộc vào chuỗi giá trị từ Trung Quốc.
Ngày 7/7 (giờ Washington D.C.), Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã gửi thư thông báo thuế quan đến một số nước, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia đều chịu mức thuế suất 25%. Một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Campuchia Lào và Myanmar chịu thuế suất cao hơn, từ 32-40%.
Việc thiết lập cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài. Do đó, quyết định đầu tư của các doanh nghiệp FDI dựa vào tính toán chiến lược dài hạn, không quá lệ thuộc vào các động thái chính sách ngắn hạn, không chắc chắn, có thể thay đổi thường xuyên và thậm chí có thể bị đảo ngược trong nhiệm kỳ chính trị tiếp theo, các chuyên gia VCBS nhận định.
Nhiều doanh nghiệp FDI đã sở hữu hệ thống cơ sở sản xuất tại các quốc gia khác nhau, do đó có thể linh hoạt để thích ứng như đẩy hoạt động sản xuất định hướng thị trường Mỹ cho các dây chuyền tại các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn, trong khi sử dụng các cơ sở tại Việt Nam để phục vụ các thị trường khác.
VCBS cho rằng Việt Nam vẫn duy trì một số lợi thế nhất định trong thu hút đầu tư, bao gồm: (i) môi trường đầu tư ổn định so với các nước ASEAN; (ii) ưu đãi thuế và chính sách vẫn duy trì nhưng trong khu vực ngày càng cạnh tranh hơn. Việt Nam đang dần thay đổi chiến lược thu hút FDI sang cạnh tranh các yếu tố liên quan hạ tầng và cơ chế đặc thù; (iii) các FTA vẫn tạo lợi thế về đa dạng hóa thị trường cho Việt Nam.
Các chuyên gia VCBS cũng đề cập đến các chính sách mạnh mẽ và cơ chế đột phá nhằm nâng cao khả năng thu hút đầu tư vào các KCN, trong bối cảnh áp dụng thuế đối ứng, làn sóng bảo hộ thương mại, thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai và chi phí lao động tại Việt Nam không còn ở mức thấp như trước.
Các chính sách mới bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án hạ tầng kết nối; các chính sách ưu đãi mới được quy định tại Luật Quy hoạch, Đầu tư và PPP sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025); thành lập các khu kinh tế và khu thương mại tự do (FTZ) với chính sách đầu tư và ưu đãi đặc biệt.
Tuy vậy, VCBS cũng chỉ ra rằng một số lợi thế của Việt Nam đã suy giảm như chi phí lao động tăng đáng kể so với giai đoạn 2005-2020; chi phí logistics vẫn cao so với khu vực; và giá thuế đất KCN tăng mạnh.
Khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam trong dài hạn vẫn tích cực
Sau khi chính quyền Trump công bố về thuế đối ứng hồi tháng 4, VCBS quan sát thấy phần lớn các doanh nghiệp FDI đã kí biên bản ghi nhớ (MOU) vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và dịch chuyển sản xuất (đặc biệt các doanh nghiệp Trung Quốc).
Một khu công nghiệp. Ảnh: Pexels
Đơn cử, Tổng công ty IDICO (IDC) cho biết 85% khách hàng ký MOU tiếp tục ký hợp đồng, 15% còn lại muốn chờ kết quả đàm phán. Các khách hàng đã đặt cọc 50% đều tiếp tục thực hiện, doanh nghiệp Hàn Quốc và Singapore cẩn trọng hơn Trung Quốc, tuy nhiên vẫn coi Việt Nam là nơi đầu tư lý tưởng.
Hay theo CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC), một vài khách hàng muốn hoãn ký hợp đồng. Tuy nhiên, họ không có ý định rút khỏi Việt Nam do kế hoạch đầu tư dài hạn hơn so với nhiệm kỳ Tổng thống Trump.
Tuy vậy, nhìn chung từ quý II/2025, hoạt động khảo sát, đăng kí đầu tư mới đã có phần chững lại khi các khách hàng có xu hướng thận trọng để chờ các thỏa thuận đàm phán chi tiết và mối tương quan thuế suất giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải hi sinh biên lợi nhuận để hấp thụ một phần áp lực tăng giá do thuế quan. Do đó, hoạt động sản xuất có thể chững lại, hoặc thậm chí chuyển một phần hoạt động sang quốc gia khác đối với các ngành có biên lợi nhuận thấp và không đòi hỏi lớn về trình độ nhân công và chuỗi logistics (dệt may, da giày). Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến các kế hoạch mở rộng/đầu tư mới của các doanh nghiệp và doanh số thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN).
Tuy không có làn sóng FDI ồ ạt rút khỏi Việt Nam, nhưng lượng đầu tư mới có thể chững lại, VCBS đánh giá. Các doanh nghiệp bất động sản KCN sẽ chịu áp lực nhất định khi các hợp đồng cho thuê bị trì hoãn hoặc giãn tiến độ giải ngân.
Nguồn cung KCN lớn trong bối cảnh nhu cầu thuê đất chững lại dẫn đến dư địa tăng giá cho thuê là không nhiều. Điều này cũng tác động đến các công ty bất động sản KCN.
Trong dài hạn, VCBS vẫn đánh giá tích cực đối với khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS KCN xét đến: (i) Các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng Mỹ có thể dần quen với mặt bằng giá mới; (ii) quá trình dịch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc đến các quốc gia lân cận để đa dạng hóa nguồn cung ứng là không thể đảo ngược, Việt Nam vẫn sở hữu nhiều lợi thế để thu hút các "đại bàng" và doanh nghiệp vệ tinh như Samsung, LG, Foxconn; và (iii) các dự án logistics và chuỗi hạ tầng kết nối dần hoàn thiện, tạo nên lợi thế cạnh tranh tốt so với các đối thủ lân cận.
Các ngành công nghệ cao kháng chịu tốt nhưng cần hỗ trợ phù hợp
TS. Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam nhận định, các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự đoán sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi thuế quan, nhờ các chính sách miễn trừ và sự quan tâm ngày càng tăng từ giới đầu tư.
Điều này phản ánh những thành tựu chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và các dự án đầu tư bền vững. Các khoản đầu tư gần đây như quyết định rót thêm 1,07 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh của Amkor Technology là minh chứng rõ nét.
Để duy trì đà phát triển này, TS. Đặng Thảo Quyên khuyến nghị chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao thông qua các ưu đãi hấp dẫn. Đồng thời, cần đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, được củng cố bởi hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả nhằm tăng tính minh bạch trong phê duyệt dự án – qua đó giảm thiểu quan ngại về các thay đổi chính sách.
Các vấn đề về năng lượng cũng cần được giải quyết triệt để vì đây vốn là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia RMIT nói thêm.
Cũng nên cân nhắc triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon gắn với FDI để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
"Chiến lược FDI của Việt Nam cần trở nên sắc bén hơn và được tinh chỉnh theo từng ngành. Bằng cách giữ vững lợi thế ở lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy các ngành dễ tổn thương chuyển hướng sang phân khúc giá trị cao và thị trường đa dạng hơn, Việt Nam có thể vượt qua cú sốc từ chính sách thương mại mới của Mỹ, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế", TS. Quyên khuyến nghị.
-
Bức thư từ ông Trump hé lộ mức thuế mới dành cho 14 quốc gia
Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp mức thuế cao lên hàng nhập khẩu từ ít nhất 14 quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, theo một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 7/7.
-
Ông Trump vừa áp thuế 25% lên hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc, giá vàng phản ứng ra sao?
Giá vàng thế giới đã thu hẹp đà giảm trong phiên giao dịch ngày 7/7 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 1/8. Động thái này khiến giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng, dù đồng USD mạnh lên tiếp tục gây áp lực lên giá kim loại quý này.
-
Ông Trump ký ban hành đạo luật dài 870 trang
Trong buổi lễ tại Nhà Trắng nhân dịp Quốc khánh Mỹ 4/7, Tổng thống Donald Trump chính thức ký ban hành đạo luật cắt giảm thuế và chi tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình – một dự luật dài tới 870 trang mà ông gọi là “một dự luật lớn, đẹp đẽ”.








-
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025: Nhiều điểm sáng nổi bật
Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 nổi bật với nhiều điểm sáng khi tăng trưởng GDP đặt mức cao nhất trong 15 năm qua; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, cán cân thương mại duy trì xuất siêu với 7,63 tỷ USD; khách quốc tế đạt gần 10,7 triệu l...
-
CEO Techcombank: Việt Nam có thể tăng trưởng 10%
Ông Jens Lottner đánh giá mục tiêu tăng trưởng 10% của Việt Nam là khả thi, nhưng phải trong điều kiện tận dụng chính xác các yếu tố vĩ mô thuận lợi.
-
Doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng
Giải ngân đầu tư công tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, song cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết liên quan đến đầu tư công vẫn còn hạn chế.