08/07/2025 10:02 AM
Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp mức thuế cao lên hàng nhập khẩu từ ít nhất 14 quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, theo một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 7/7.

Mỹ gửi thư cập nhật chính sách thuế

Ông Trump đã công bố các bản chụp thư mẫu gửi đến lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Myanmar, thông báo mức thuế mới mà Mỹ sẽ áp dụng. Không lâu sau đó, ông tiếp tục công bố thêm 7 lá thư khác gửi đến lãnh đạo của Bosnia & Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.

Bức thư từ ông Trump hé lộ mức thuế mới dành cho 14 quốc gia- Ảnh 1.

Mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ (cột bên trái). Nhà Trắng đã gửi các thư bổ sung đến một số quốc gia để thông báo về mức thuế và lịch trình cập nhật cho chính sách thuế "Ngày Giải phóng" được công bố từ ngày 2/4 (cột bên phải). Ảnh: CNBC

Theo nội dung các bức thư, mức thuế quan mới được quy định như sau:

  • 25% đối với hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia.
  • 30% với hàng từ Nam Phi và Bosnia & Herzegovina.
  • 32% với hàng từ Indonesia.
  • 35% với Bangladesh và Serbia.
  • 36% đối với Campuchia và Thái Lan.
  • 40% áp lên hàng từ Lào và Myanmar.

Bức thư từ ông Trump hé lộ mức thuế mới dành cho 14 quốc gia- Ảnh 2.

Thư của Tổng thống Donald Trump gửi Thủ tướng Nhật Bản. Ông Donald Trump đăng trên Truth Social

"Tùy quan hệ song phương mà có thể điều chỉnh"

Tất cả các bức thư đều mang tính chất cảnh báo trước: nếu các quốc gia này áp thuế trả đũa với hàng Mỹ, thì mức thuế của Mỹ sẽ được nâng cao tương ứng. Ngược lại, nếu các nước “xóa bỏ chính sách thuế và phi thuế cũng như rào cản thương mại”, Mỹ sẽ “có thể cân nhắc điều chỉnh các mức thuế hiện tại”.

"Mức thuế này có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo quan hệ giữa hai nước", thư viết. “Bạn sẽ không bao giờ thất vọng khi hợp tác với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Gia hạn thời gian áp thuế – nhưng chỉ thêm ba tuần

Ban đầu, các mức thuế cao này được lên kế hoạch áp dụng từ ngày 10/7, nhưng đến chiều ngày 7/7, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp trì hoãn đến ngày 1/8, với lý do "cần cân nhắc thêm các thông tin và khuyến nghị từ giới chức cấp cao".

Đây được xem là giai đoạn nối tiếp chính sách "thuế quan có đi có lại" mà ông Trump công bố hôm 2/4 – khi ông cam kết áp thuế lên hàng nhập khẩu từ các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.

Mỹ muốn “sửa lỗi” thâm hụt thương mại?

Giới chuyên gia vẫn tranh cãi về quan điểm này, cho rằng thâm hụt thương mại không nhất thiết là xấu và việc cố gắng xóa bỏ chúng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ hơn là mang lại lợi ích.

Thực tế, không phải tất cả 14 quốc gia đều có thặng dư lớn với Mỹ. Năm 2024, Mỹ thâm hụt 68,5 tỷ USD với Nhật Bản và 66 tỷ USD với Hàn Quốc.

Nhưng với Myanmar, con số chỉ là 579,3 triệu USD – theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

Nhật Bản và Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là ô tô, máy móc và linh kiện điện tử. Kazakhstan xuất khẩu dầu thô và hợp kim kim loại. Malaysia cung cấp linh kiện điện tử. Nam Phi gửi các kim loại quý. Myanmar chủ yếu xuất khẩu đệm và chăn ga gối đệm...

Ngoài các mức thuế đồng loạt, các bức thư cũng nhấn mạnh rằng thuế bổ sung theo từng ngành cụ thể sẽ được áp dụng...

Hồi tháng 4, sau khi ban hành mức thuế cao, ông Trump đã bất ngờ tuyên bố “tạm dừng 90 ngày” và hạ toàn bộ mức thuế về 10% nhằm tạo thời gian cho các nước đàm phán...

Thuế của Trump vẫn bị kiện – nhưng chưa bị chặn

Tháng 5 vừa qua, một tòa án liên bang đã ra phán quyết rằng ông Trump không có thẩm quyền hợp pháp để đơn phương ban hành thuế quan diện rộng theo luật khẩn cấp mà ông viện dẫn. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã cho phép giữ nguyên hiệu lực chính sách thuế trong lúc xem xét lại vụ việc.

Thông tin về làn sóng thuế mới khiến phố Wall đỏ lửa trong ngày đầu tuần. Chỉ số Dow Jones giảm 422,17 điểm (0,94%) còn 44.406,36 điểm. S&P 500 mất 0,79%, đóng cửa ở mức 6.229,98 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,92%, chốt phiên ở 20.412,52 điểm.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.