Vừa qua, dư luận xôn xao việc Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất vay gần 7.000 tỷ đồng của Ngân hàng Trung Quốc để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có tổng chiều dài 96 km.
Bình luận về vấn đề này bên hành lang Quốc hội sáng 29/7, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng cá nhân ông không đồng ý với việc này và vay ODA của Trung Quốc cần hết sức thận trọng.
"Chúng ta vay 7.000 tỷ của Trung Quốc làm đường cao tốc, tôi nghĩ là phải thận trọng. Phải xem lại bài học đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Đấy là chưa nói khi làm con đường này ta phải tính đến lợi của chúng ta và lợi của Trung Quốc. Phải đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại sốt sắng cho chúng ta vay như vậy? Vì sao tuyến đường đó lại được Trung Quốc chào đón như vậy?".
Ông Vân cũng phân tích, khi làm việc với Trung Quốc, cần phải đem bài học đường sắt Cát Linh - Hà Đông ra xem. Lúc đầu họ chào mời giá rẻ, sau đó họ tìm cách tăng vốn đầu tư lên. Trung Quốc cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc như công nghệ, vật liệu, nhà thầu. "Vậy chúng ta kiểm soát thế nào?" - ông Vân đặt câu hỏi.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng khi vay vốn ODA của Trung Quốc cần hết sức tỉnh táo.
"Vay như thế nào cần phải tính toán kỹ vì chúng ta có nhiều bài học rồi. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông là một bài học rồi. Mình phải rút kinh nghiệm để ký kết hợp đồng chặt chẽ hơn, không để tình trạng đội vốn, thi công dở dang, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Các bộ ngành chủ quản, chính phủ phải hết sức tỉnh táo".
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết vốn ODA vay của các nước đều như nhau. Vì các nước cho vay ODA lãi suất thấp thì đều có các điều kiện.
"Vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà quan trọng hơn là tiền đầu tư vào trong đất nước chúng ta. Chúng ta phải xử lý, quản lý, sử dụng nguồn vốn này cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay dự án Xe buýt nhanh Hà Nội", vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích.
Ông Kiên phân tích vốn vay ODA có những điều kiện đi kèm như chỉ định nhà thầu của họ, mang người của họ sang làm. Những điều kiện thỏa thuận này phải do cơ quan tiếp nhận vốn ODA đàm phán hợp đồng. Khi đàm phán hợp đồng phải rất cụ thể.
“Quan điểm của tôi là vay vốn ODA của Trung Quốc hay của nước nào cũng được, miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn vay trong nước. Nếu lãi suất thấp nhưng thời gian giải ngân, triển khai vốn mà điều kiện lại khắt khe hơn, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại. Chúng ta phải nâng cao trách nhiệm đội ngũ đi đàm phán vay vốn và đội ngũ tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đó”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phân tích.
Ông Kiên cũng cho biết đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào khác ngoài nhà đầu tư Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn ODA. Tuy nhiên chúng ta cũng còn có các phương án lựa chọn khác, lựa chọn vay vốn ODA Trung Quốc chỉ là 1 trong 3 lựa chọn.
Khả năng huy động vốn trong nước hiện rất hạn hẹp. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng thế giới hay ADB… có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: “Khi quyết định chọn vốn vay ODA của quốc tế, yếu tố lãi suất thấp là quan trọng nhưng không phải là quyết định vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, thời điểm”.
Trước đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra tổng mức đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái giai đoạn 1 dự kiến là 382 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc 304,6 triệu USD (tương đương 6.860 tỷ đồng), vốn đối ứng của phía Việt Nam là 77,33 triệu USD, tương đương hơn 1.700 tỷ đồng. Về nguồn vốn vay của Trung Quốc đầu tư cho dự án, Bộ GTVT đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (vay vốn với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).