25/05/2025 7:01 PM
Vì sao một công trình có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng lại rơi vào tình trạng "hư hỏng vặt" kéo dài mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả?

Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành thương mại từ tháng 11/2021, khép lại hành trình kéo dài hơn một thập kỷ đầy gian truân với hàng loạt lần trễ tiến độ, đội vốn và những tranh cãi không dứt.

Dự án từng được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông công cộng tại thủ đô Hà Nội – nơi mà xe máy, ô tô cá nhân vẫn đang chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm vận hành, hình ảnh “niềm tự hào giao thông” đang dần bị lu mờ bởi những “hư hỏng vặt” kéo dài, những bất cập trong vận hành và một tư duy quản lý hạ tầng công cộng còn lúng túng, bị động.

Hành khách đi tàu trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Quốc Tuấn

Không cần đến các chuyên gia kỹ thuật, người dân bình thường cũng có thể nhìn thấy thực trạng xuống cấp của tuyến metro đầu tiên tại Việt Nam. Hình ảnh hành khách phải bung dù che nước điều hòa rò rỉ trong toa tàu, hay nước xối thẳng từ mái ga Yên Nghĩa bị thủng chảy lênh láng trên sàn nhà ga đã không còn xa lạ với những người sử dụng tuyến metro này. Những máy bán vé tự động thường xuyên bị lỗi cũng là lời cảnh báo về một hệ thống thiếu sự chăm sóc, duy tu thường xuyên.

Không chỉ là hư hỏng vặt

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao một công trình có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, một con số khổng lồ với ngân sách quốc gia lại rơi vào tình trạng "hư hỏng vặt" kéo dài mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả?

Trong khi người dân lo lắng về sự an toàn và chất lượng của hệ thống metro, các đơn vị liên quan lại sa vào một cuộc “chuyền bóng” trách nhiệm. Đại diện Hanoi Metro cho rằng việc sửa chữa mái nhà ga Yên Nghĩa bị thủng nằm ngoài thẩm quyền của họ do tài sản thuộc sở hữu của Sở Xây dựng Hà Nội. Hanoi Metro chỉ có thể kiến nghị sửa chữa. Trong khi đó, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP.Hà Nội lại viện dẫn các văn bản bàn giao cho thấy Hanoi Metro chính là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt này.

Hanoi Metro sau đó cũng đã phải thừa nhận sự chậm trễ trong phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Tuy nhiên, sự thừa nhận này đến sau khi có những phản ánh gay gắt từ truyền thông và sự thúc giục từ phía cơ quan quản lý. Điều đó đặt ra câu hỏi về năng lực chủ động trong quản lý, về tinh thần trách nhiệm của đơn vị đang trực tiếp vận hành tuyến metro.

Câu chuyện mái nhà ga Yên Nghĩa bị thủng suốt 8 tháng chỉ là một biểu hiện cho hàng loạt những vấn đề mang tính hệ thống trong công tác vận hành, bảo trì hạ tầng giao thông công cộng tại Việt Nam. Những "hư hỏng vặt" nếu không được xử lý kịp thời sẽ tích tụ, ăn mòn dần uy tín, độ tin cậy và quan trọng hơn cả là làm suy giảm tuổi thọ công trình. Hệ thống metro, vốn là biểu tượng cho hiện đại hóa, không thể vận hành như một chiếc xe máy cũ, cứ hỏng là sửa, hỏng đâu vá đó, không quy trình, không giám sát, không dự báo trước rủi ro.

Cần thay đổi về tư duy

Tình trạng này cho thấy một vấn đề cốt lõi trong tư duy quản lý đầu tư công: thường chỉ tập trung vào khâu khánh thành, cắt băng đỏ, mà xem nhẹ giai đoạn hậu đầu tư, nơi quyết định giá trị bền vững của công trình. Không khó để liệt kê hàng loạt dự án trọng điểm ở Việt Nam từng gây tiếng vang lúc khánh thành nhưng rơi vào tình trạng đìu hiu, hư hỏng chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng.

Một công trình dù hiện đại đến đâu, sử dụng công nghệ tiên tiến cỡ nào cũng không thể “tự sống” nếu bị bỏ mặc. Việc bảo trì, bảo dưỡng phải được coi là một phần không thể thiếu trong chuỗi vận hành. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, công tác này vẫn bị coi là "phụ phí", chỉ làm khi có sự cố, không có kế hoạch định kỳ, không được phân bổ ngân sách rõ ràng.

Với metro Cát Linh - Hà Đông, hơn lúc nào hết, cần phải có một cơ chế tài chính minh bạch và ổn định cho công tác bảo trì, duy tu tuyến đường sắt này. Điều đó không chỉ nhằm bảo vệ an toàn cho hành khách, mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo tuổi thọ cho cả hệ thống, thứ mà hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư đã bỏ ra.

Vấn đề không còn nằm ở vài tấm mái thủng, vài toa tàu dột nước hay máy bán vé không hoạt động. Vấn đề nằm ở tư duy quản lý hạ tầng giao thông đô thị đang tồn tại nhiều khoảng mờ về trách nhiệm, thiếu sự chủ động và không được tiếp cận theo hướng phát triển bền vững.

Muốn thay đổi, cần một cuộc “đại phẫu” từ chính sách đến thực thi. Cơ chế phân cấp phải rõ ràng hơn, trách nhiệm của các đơn vị vận hành như Hanoi Metro phải được quy định chặt chẽ, gắn với các chế tài cụ thể khi xảy ra chậm trễ hoặc vi phạm. Đồng thời, cần có hệ thống giám sát độc lập, để đảm bảo mọi khâu từ vận hành đến bảo trì đều diễn ra minh bạch, chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh Hà Nội và nhiều đô thị lớn đang hướng tới việc phát triển thêm các tuyến metro mới, câu chuyện của tuyến Cát Linh - Hà Đông là một “bài học xương máu”. Nếu không thay đổi tư duy từ bây giờ, chúng ta có thể sẽ tiếp tục đối mặt với những tuyến metro mới đầy hiện đại… nhưng lại mang những vết nứt cũ kỹ về cơ chế, quản lý và vận hành.

Hơn 4 năm sau ngày cắt băng khánh thành, metro Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa hoàn toàn “thuyết phục” được lòng tin của người dân. Những sự cố kỹ thuật dù nhỏ nhưng liên tục xảy ra đang dần làm hao mòn sự kỳ vọng ban đầu. Và nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ là một tuyến metro thất bại, mà còn là đòn giáng mạnh vào giấc mơ về một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, văn minh của thủ đô.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận rằng: xây dựng một công trình giao thông hiện đại không chỉ là việc đổ tiền vào sắt thép, mà còn là đầu tư cho cơ chế quản lý hiệu quả, con người có trách nhiệm và một tư duy phát triển bền vững. Metro không thể là biểu tượng của văn minh đô thị nếu bên trong nó vẫn ẩm mốc, rò rỉ, và mang theo những câu chuyện buồn về sự thiếu trách nhiệm.

Minh Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.