23/02/2013 8:13 AM
Ngày 22-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trước hết, phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu không ổn định được kinh tế vĩ mô thì không thể có thị trường BĐS ổn định, bền vững.

Người thu nhập thấp rất khó đáp ứng đủ điều kiện để vay được tiền mua nhà (Ảnh minh họa)

Ngân hàng “bóp chết” doanh nghiệp?!

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh phân tích, nút thắt của thị trường BĐS từ năm 2008 đến nay là tồn kho và nợ xấu. Tuy nhiên, không phải tất cả đều đen tối. Vẫn có những điểm sáng như dạng căn hộ quy mô vừa và nhỏ, những dự án cao cấp đầu tư một cách nghiêm túc, bài bản vẫn bán được hàng. Điều đáng lo ngại đó là doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất quá cao, điều này khiến cho lợi nhuận bị... teo tóp. Ông nói: “Hiện nay huy động vốn với lãi suất 8% nhưng chúng tôi phải vay với mức 18-19%. Do bí bách, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ để tự cứu mình”.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cũng cho rằng, nhà đầu tư đã tìm mọi cách để hạ giá thành nhưng giá BĐS còn chênh lệch rất lớn so với bình diện chung. Hệ số chênh lệch từ những giá trị BĐS được khảo sát so với thu nhập bình quân xã hội còn vượt 5-10 lần. Chênh lệch này là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, giá trị hình thành BĐS quá cao. Trong cơ cấu giá thành của BĐS, thông thường tỷ trọng tiền đất chỉ có thể chiếm 30% là tối đa, lãi suất ngân hàng tối đa 10%, với cơ cấu này thị trường cầu dễ tiếp cận. Song thực tế, giá trị bình quân tổng hợp từ nhiều dự án tiền đất chiếm 40%, thậm chí 50-60%. Lãi suất ngân hàng quá lớn, có khi chiếm tới 50% cơ cấu giá thành. Bên cạnh những tác động về thủ tục hành chính, hai yếu tố tiền đất và lãi suất cần được cải thiện sớm.

Đại diện Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh chua chát: “Lãi suất đang “bóp chết” doanh nghiệp. Cần có lãi suất ưu đãi cho người mua và cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ sản phẩm để thị trường ấm lại”. Cũng cho rằng, đến lúc này, tín dụng tiêu dùng chưa phát huy được hiệu quả trên thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS TP Hải Phòng kiến nghị: “Ngân hàng cho vay rõ ràng cần có quy định chặt chẽ. Nhưng sự chặt chẽ này có lẽ chưa thích hợp với đối tượng được vay. Bởi người thu nhập thấp không có các điều kiện như tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập... nên thành ra bảo nới tín dụng nhưng họ vẫn không vay nổi đồng nào...”.

Lãi suất đặc biệt cho người nghèo

Bàn về giải pháp cứu BĐS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, phải dịch chuyển trọng tâm thị trường, tập trung vào những sản phẩm giá thấp. Ông nói: “Yêu cầu chung là đất đai phải có mức giá phù hợp. Cơ cấu dự án, sản phẩm phù hợp và đặc biệt là lãi suất hạ đến mức chấp nhận được, tài chính không tập trung quá vào tận thu. Cần tạo niềm tin cho thị trường, nhà nước cần có cam kết rằng ít nhất trong 2-3 năm tới chính sách cho thị trường sẽ không thay đổi nhiều...”.

Vấn đề minh bạch được nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo đề cập đến như một giải pháp quan trọng bởi lấy lại niềm tin là vấn đề cốt lõi để cầu quay trở lại với thị trường BĐS. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Nhà nước khuyến khích nhưng giá được kiểm soát. Nếu không kiểm soát được, nhà ở xã hội sẽ bị đẩy giá. Ông nhấn mạnh: “Minh bạch là yếu tố tạo niềm tin cho thị trường”. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lưu ý, các địa phương tự rà soát dự án là không nên. Cần thành lập các đoàn công tác tới các địa phương lớn để tập trung rà soát và đưa ra quyết định dự án nào làm tiếp, dự án nào dừng, chuyển đổi, thậm chí thu hồi những dự án không phù hợp. Những thông tin về các dự án cần được công khai để người dân, doanh nghiệp được biết.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, các giải pháp cho thị trường BĐS phải được thực hiện đồng bộ, không giải pháp nào có thể giải quyết được bài toán nếu không thực hiện đồng bộ cùng các giải pháp khác. Có thực hiện đồng bộ mới tạo thanh khoản, giải quyết tồn kho, thu hút dòng vốn từ xã hội. Phó Thủ tướng nói: “Về tăng cường minh bạch thông tin, chúng ta đã nỗ lực nhưng người dân, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý vẫn còn thiếu thông tin. Các hiệp hội, địa phương, các bộ cùng rà soát, tập hợp, để đưa thông tin lên các website. Đặc biệt, cơ chế tín dụng cho người mua nhà phải triển khai quyết liệt hơn...”.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng hy vọng lãi suất sẽ thấp hơn. Có thể sẽ có lãi suất đặc biệt dành cho đối tượng có thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Lãi suất dự kiến có thể là 6%, thời hạn vay đối với người mua nhà 10 năm, thời hạn vay đối với doanh nghiệp là 5 năm.

Thành Nam (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.