Hàng trăm dự án tại các đô thị để hoang hóa đang là một sự lãng phí lớn. Nó không chỉ khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thu mà còn khiến nhiều DN khác có nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, khiến nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án không thể canh tác trên chính thửa đất của mình. Đây đang là một thực tế đau lòng mỗi khi kiểm kê quỹ đất dự trữ tại các đô thị.

Đô thị hóa đang dần phát triển, tất yếu kéo theo một lượng không nhỏ đất nông nghiệp bị “nuốt” mất. Người nông dân - vốn dĩ vẫn chỉ trông vào ruộng đất - nay phải tự vận động theo cuộc chuyển đổi.

Các chủ đầu tư thường phàn nàn về giá cả đền bù cao, bao gồm cả những chi phí đặc biệt mà họ phải trả cho việc giải phóng mặt bằng. Phần lớn nhất của sự chênh lệch giữa giá đền bù và giá thị trường này được biện minh là chi phí phát triển hạ tầng.

Thêm nữa, cơ chế đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư lại chỉ được tiến hành đối với các lô đất nhỏ lẻ, hầu hết các dự án có diện tích được tính bằng héc-ta hiện vẫn được quyết định bằng cơ chế giao đất. Từ đây nảy sinh vô vàn khó khăn cho những người trong cuộc.

Thế nhưng, giá đất không phải là vấn đề duy nhất đáng lo ngại. Mất đất nông nghiệp cho các chủ đầu tư và các dự án xây dựng hạ tầng, người dân không còn phương tiện để sản xuất. Một phần tiền đền bù đều được chi tiêu vào xây dựng nhà và mua sắm. Việc làm không có, cùng lúc, giá đất trong làng tăng cao, người dân bắt đầu phải bán diện tích vườn nằm trong khu đất ở để nhanh chóng có một nguồn vốn. Có tiền trong tay, cộng với những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nguy cơ làm suy đồi lớp trẻ khiến nhiều người lo lắng. Và để “chống” lại sự ảnh hưởng này, họ chỉ có thể dựa vào các phong tục như là một bức tường thành bảo vệ.

Những khó khăn này với hộ gia đình làm nông, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp và có con cái phụ thuộc càng lớn. Do khả năng thích nghi với nghề mới ở các nhà máy ít, nên sự lựa chọn duy nhất của họ là bán dần đất và khi khoản thu nhập này cạn kiệt, họ lại dần bị đẩy sâu hơn vào tình cảnh đói nghèo. Đây là một thực tế của quá trình đô thị hóa mà họ phải đối mặt.

Các chủ đầu tư hiếm khi, có lẽ chính xác hơn là không bao giờ, tính đến những tác động của các dự án của họ lên các làng xung quanh và cố cho rằng việc đền bù sẽ giải quyết được tất cả. Bởi thế, việc đưa các làng vào quá trình quy hoạch các dự án phát triển (dù lẽ ra việc này phải làm sớm hơn) sẽ giúp giảm sự phản đối trong dân chúng và tránh biến các làng có niên đại nhiều thế kỷ với lịch sử và truyền thống độc đáo trở thành những khu nhà ổ chuột của Hà Nội tương lai.

Đang có vô vàn câu chuyện bi hài quanh việc chuyển đổi đất đai khu vực vùng ven đô thị. Và trong vòng xoay này, ai nhanh chân, nhiều mối “quan hệ” và “mạnh” hơn sẽ thắng.

Ngọc Lý (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.