11/11/2024 7:21 PM
Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình), vàng nằm im trong dân là “vàng chết”, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn.

Ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về lĩnh vực ngân hàng.

Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề cập một trong những tồn tại của thị trường vàng là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“Vàng nằm im trong dân là "vàng chết", trong khi nhu cầu về vốn trong sản xuất kinh doanh là rất lớn. Thời gian tới cần tập trung giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế”, bà Thanh chất vấn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình). Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để chống vàng hóa và đô la hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Bởi khi nắm giữ vàng thì giá trị có thể lớn nhưng khi nắm giữ thì coi như số tiền đó người dân không sử dụng được.

Nếu lấy vàng để chuyển hóa sang VND thì sẽ có cơ hội để kinh doanh, để đầu tư vào các lĩnh vực khác như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng sử dụng tiền đó để cho vay sản xuất kinh doanh. Hoặc tiền có thể đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước trong tinh thần của Nghị định 24, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, đặc biệt vàng miếng.

Đây cũng là lý do, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cơ quan quản lý đưa ra chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán kim loại quý.

Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 để thiết kế các giải pháp để hạn chế việc nắm giữ vàng trong dân.

Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng trong thời gian vừa qua chưa cao.

“Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới”, đại biểu Hương nói.

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì quản lý và thống nhất. Tuy nhiên, có các bộ ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các bộ ngành không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các bộ, các ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an.

“Trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức can thiệp vàng thì đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.