Tháng trước, Zoom Video Communications, công ty sở hữu phần mềm họp trực tuyến từng làm mưa làm gió trong thời kỳ đại dịch, đã gọi nhân viên của mình quay lại văn phòng. Zoom yêu cầu những người lao động sống trong phạm vi 80km quanh một trong những địa điểm của công ty phải có mặt tại chỗ làm ít nhất 2 ngày một tuần.
Các công ty công nghệ lớn khác được hưởng lợi từ cuộc thử nghiệm làm việc từ xa, chẳng hạn như Google và Amazon, đang tìm cách thực thi các quy định buộc nhân viên phải ở văn phòng ít nhất 3 ngày một tuần. Trong ngành dịch vụ tài chính, các công ty Phố Wall như Goldman Sachs đang yêu cầu người lao động làm việc tại văn phòng 5 ngày một tuần.
Ba năm rưỡi sau khi đại dịch bùng phát, sự cân bằng giữa làm việc tại nhà và tại văn phòng đang dịch chuyển dần sang làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa người sử dụng lao động và nhân viên của họ về việc qya lại văn phòng rất gay gắt, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi tỷ lệ lấp đầy văn phòng thấp nhất - chỉ ở mức trung bình 47% vào đầu tháng 9 tại 10 thị trường lớn.
Rất khó để hoàn toàn làm việc từ xa hoặc tại văn phòng suốt 5 ngày một tuần, nhưng cũng không nhiều người ủng hộ mô hình kết hợp do lo lắng về thước đo hiệu suất công việc, ý nghĩa thực sự của mô hình này, và động lực nhu cầu của thị trường.
Ở châu Á, sự gián đoạn do đại dịch gây ra trong ngành bất động sản ít nghiêm trọng hơn, giảm thiểu tác động của những thay đổi hành vi trong cách mọi người sống, làm việc và vui chơi. Theo dữ liệu được JLL công bố vào tháng 5, tỷ lệ quay lại văn phòng ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Seoul đã trở lại mức trước đại dịch. Ở Hồng Kông và Singapore, tỷ lệ này chỉ thấp hơn mức năm 2019 từ 5 đến 10%.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố – các hộ gia đình nhỏ hơn và thường có nhiều thế hệ, văn hóa doanh nghiệp bảo thủ hơn, và quan trọng hơn là sự gắn bó chặt chẽ hơn của nhân viên với cuộc sống văn phòng – đã cản trở việc sự phát triển của mô hình làm việc từ xa.
Hơn nữa, hoạt động cho thuê văn phòng ở châu Á đang trở nên mạnh mẽ hơn. Tỷ lệ lấp đầy tại các thị trường chính trong khu vực đã tăng 16% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp sự yếu kém ở thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, châu Á không tránh khỏi những tác động do đại dịch gây ra đang định hình lại thị trường văn phòng. Dữ liệu từ JLL cho thấy, mặc dù tỷ lệ lấp đầy văn phòng ở châu Á cao hơn nhưng khối lượng giao dịch trong lĩnh vực này – vẫn là loại tài sản bất động sản thương mại thống trị ở châu Á – trong quý 2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Mặc dù điều này chủ yếu là do lãi suất tăng, nhưng sự không chắc chắn về mô hình làm việc hậu Covid – đặc biệt là tác động của chúng đối với thông số kỹ thuật, chức năng và hiệu suất của tòa nhà – cũng là một yếu tố. Theo kết quả của một cuộc khảo sát do CBRE công bố vào tháng 6, làm việc kết hợp tại văn phòng là điều bình thường mới ở châu Á. Mặc dù phần lớn các công ty đều yêu cầu nhân viên phải dành phần lớn thời gian làm việc tại văn phòng, nhưng có ít công ty yêu cầu nhân viên của họ phải làm việc 5 ngày một tuần.
Julie Whelan, người đứng đầu toàn cầu về tư vấn nghiên cứu và lãnh đạo tư duy cho khách thuê tại CBRE, cho biết: “Nếu điểm khởi đầu ở văn phòng châu Á là 5 ngày một tuần, thì ‘sự linh hoạt’ đối với người châu Á có thể có nghĩa là bốn ngày một tuần”.
Điều quan trọng không kém là đại dịch đã đặt ra yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về thiết kế, vị trí và đặc điểm của các tòa nhà văn phòng. Trong khi châu Á được cách ly tốt hơn khỏi sự rung chuyển của thị trường văn phòng, xuất phát từ việc giảm giá trị - đặc biệt là với các tòa nhà cũ và chất lượng thấp hơn, không phù hợp với mô hình làm việc sau đại dịch, thì các chủ nhà và nhà đầu tư của các văn phòng mới cũng phải chịu áp lực nhất định.
Ngoài việc phải chú trọng hơn đến sức khỏe và tiện nghi, nội thất linh hoạt và công nghệ thông minh, chủ văn phòng mới cũng phải làm cho tòa nhà của mình tiết kiệm năng lượng hơn. Chênh lệch phí thuê giữa các công trình xanh và công trình “không xanh” đang nổi lên ở các thị trường có tỷ lệ văn phòng đạt chứng nhận xanh thấp. Theo dữ liệu từ CBRE, mức chênh lệch này ở Thâm Quyến và Quảng Châu có thể lên tới 15 đến 25%.
Tuy nhiên, vị trí là yếu tố quan trọng nhất khi xét đến sở thích của nhân viên. Sự gắn bó mạnh mẽ hơn với công việc trực tiếp ở châu Á – và sở thích làm việc tại văn phòng ở trung tâm thành phố của nhân viên thay vì các quận hoặc vùng ngoại ô mới nổi – giải thích tại sao các tòa nhà có vị trí thuận tiện và kết nối tốt lại tỏ ra có khả năng phục hồi tốt nhất.
Các văn phòng châu Á chịu thiệt hại ít hơn so với các văn phòng ở Mỹ kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng ngay cả ở châu Á, cách làm việc linh hoạt đang được áp dụng khi các công ty muốn thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu. Ranh giới giữa làm việc tại văn phòng và tại nhà đã rõ nét hơn, tăng thêm những tác động sâu sắc của đại dịch đối với thị trường văn phòng.
-
Thị trường văn phòng châu Á - Thái Bình Dương hồi phục nhanh nhất thế giới, co-working là điểm sáng
Tỷ lệ lấp đầy, hiệu suất hoạt động, khối lượng đầu tư và triển vọng tăng trưởng của thị trường này đều vượt trội so với các khu vực khác trên thế giới.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.