Khi cung cầu USD chưa thông
Sau một thời gian tạm ngừng giao dịch, nói đúng hơn là rút vào giao dịch ngầm, các đại lý và tay buôn trên "chợ đen" ngoại tệ đã dần hoạt động trở lại. Và ngay lập tức, có người dân hỏi mua. Chợ tự do ngoại tệ, dù chưa thể hoạt động một cách công khai và thách thức như trước, nhưng sự tái xuất này cho thấy còn rất nhiều lý do để "chợ đen" tồn tại.
Nhìn từ phía các ngân hàng, thời gian qua, khi thi trường tự do hạn chế hoạt động thì các ngân hàng thương mại vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu USD của người dân. Rất nhiều người cần ngoại tệ cho các nhu cầu du lịch, giao dịch nhỏ lẻ... đã không được đáp ứng.
Trong khi đó, nhân cơ hội người dân khó tìm nguồn USD, các ngân hàng đã tính cách làm khó khi đề xuất thu thêm phí bán ngoại tệ, khiến tỷ giá thực tăng lên. Dù đề xuất này không thành, nhưng với việc khó mua bán USD qua ngân hàng và triệt để tìm mọi cách để thu lợi... càng khiến người dân thêm nghi ngờ vào cam kết bán đủ USD của các ngân hàng.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho thực tế trên, song, rõ ràng cung - cầu USD theo các quy định tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa được khai thông. Và một lẽ tất yếu, dù có bị cấm đoán và kiểm tra nhưng khi nhu cầu chưa được đáp ứng một cách chính thức thì sẽ phát sinh những kiểu giao dịch ngầm khó quản lý. Sự tồn tại dai dẳng của chợ USD là một thực tế không thể chối cãi để chứng minh cho điều đó.
Một tháng sau khi thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ, cùng đó là hàng loạt giải pháp để quản lý thị trường vàng và USD, dù trải qua rất nhiều biến động và lo lắng mỗi lần có những phát ngôn hay quyết định của cơ quan chủ quản, song nếu quyết định cuối cùng về quản lý chưa rõ ràng thì thị trường lại bắt đầu trở về trạng thái cũ. Sự thật này mang lại cho chúng ta nhiều câu trả lời nhưng có một câu trả lời thực tế nhất mà ai cũng có thể nhận ra, đó là người dân vẫn khó tìm được USD từ ngân hàng. "Chợ đen" vẫn là cách dễ dàng nhất để đáp ứng nhu cầu khi cung cầu chưa được khai thông và niềm tin vào chính sách quản lý chưa được khẳng định.
Mới đây nhất, trong Nghị quyết thường kỳ tháng 3/2011, Chính phủ đã nhấn mạnh các quan điểm mới mẻ về quản lý ngoại tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xử phạt đối với các trường hợp kinh doanh, mua bán ngoại tệ, vàng trái quy định pháp luật.
Đặc biệt, cơ quan này nghiên cứu, đề xuất lộ trình giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 4/2011.
Huy động và cho vay bằng USD đã được thừa nhận và tồn tại lâu dài trong các hoạt động của ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với việc này cũng xảy ra rất nhiều hệ lụy khiến cho thị trường bất ổn, mà đáng chú ý nhất là những hậu quả từ biến động tỷ giá khi vay và trả. Với quyết định mới, những lo thiệt hại do biến động tỷ giá trong huy động và trả nợ cũng như hệ lụy của nó sẽ được giải quyết khi mua và bán được quyết định theo tỷ giá từng thời điểm.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra lo ngại đối với người dân như đã từng gây ra với thị trường vàng thời gian qua. Bởi nếu không cho phép huy động và cho vay USD thì sẽ xử lý thế nào với nguồn USD của người dân đang gửi trong các ngân hàng hiện nay? Liệu người dân có được nhận về hay sẽ phải bán lại cho các ngân hàng.
Quy định và niềm tin
Với thực tế hiện nay, khi các tập đoàn kinh tế và tổng công ty được yêu cầu bán lại ngoại tệ nhàn rỗi cho các ngân hàng, có thể thấy các DN vẫn tựhc hiện theo đúng quy định. Nhưng dường như, đó chưa phải là tất cả điều họ có thể làm. Có vẻ như, các doanh nghiệp vẫn tất tả tìm cách giữ lại tối đa lượng ngoại tệ có thể, dưới nhiều lý do. Vì thế, các ngân hàng cho biết, việc thực thi quy định này vẫn chưa triệt để.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là các DN lo ngại về việc sau khi bán USD sẽ khó mua lại. Dù các ngân hàng luôn cam kết bán đủ USD khi DN cần, nhưng bán thì dễ còn mua luôn khó khăn. Chính vì thế, dù là DN lớn nhưng ai cũng muốn "thủ thế" để chủ động khi cần, chứ khó có thể trông hết vào cam kết của ngân hàng. Đó là một thực tế và một tâm lý phổ biến.
Có thể trách các DN trong việc thực thi quy định nhưng lại dễ thông cảm hơn khi biết chính các ngân hàng chưa tạo được niềm tin một cách chắc chắn trong việc thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho các DN khi cần thiết. Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Sự đồng thuận và nhất quán trong thực hiện sẽ tạo ra niềm tin. Nhưng trên thị trường ngoại hối, nhất là trong quan hệ giữa ngân hàng và DN dường như chưa có được điều đó. Vì thế, dù có rất nhiều quy định nhưng tất cả đều bị vượt qua hay trở nên méo mó khi chưa có được niềm tin và sự thỏa mãn trong cung cầu.
Mở rộng câu chuyện, trong rất nhiều lần thị trường ngoại hối biến động, cơ quan nhà nước đã chỉ ra nguyên nhân là do người dân và DN có tâm lý găm giữ USD.
Nguyên nhân của việc này được lý giải là do người dân còn chưa có niềm tin vào sự cung ứng đầy đủ USD khi cần thiết từ ngân hàng và cả nhưng lo ngại về mất giá của đồng tiền Việt Nam trong thời gian qua. Đó là một thực tế.
Đã có lần chuyên gia từ Ủy ban giám sát tài chính đã phải kêu lên rằng, về tổng thể, Việt Nam vẫn dư ngoại tệ, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn rơi vào tình trạng căng thẳng. Trong bảng cân đối ngoại tệ có có một lượng lớn hàng tỷ USD "biến mất" một cách khó hiểu. Con số đó đã nằm lại trong két sắt của DN và người dân. Nếu có một cách nào đó để huy động nguồn này thì chúng ta sẽ hết thiếu USD. Tuy nhiên, điều đó đã chưa bao giờ khả thi vì người dân còn nhiều lo ngại và có nhiều lý do để găm giữ.
Với những chỉ đạo mới đây, sắp tới sẽ có những chính sách quản lý mới về ngoại hối được thực thi nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay. Thực tế thời gian qua cho thấy, để quy định có hiệu quả thì luôn cần tạo một cơ sở quan trọng, đó là niềm tin. Điều đó không chỉ trông đợi, kêu gọi mà phải được thiết lập lâu dài từ chính các quản lý và điều hành.