Trong khi thị trường BĐS tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang chìm trong giá lạnh từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng vẫn chứng tỏ sức phát triển bền vững với sức mua - bán, đầu tư BĐS được duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, từ 2 tháng nay, BĐS Đà Nẵng bắt đầu giảm nhiệt. Giao dịch tại các dự án đã có dấu hiệu chững lại, ngoại trừ phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, ven biển đang được các nhà đầu tư lớn tập trung săn đón cũng như mặt bằng cho thuê văn phòng kinh doanh vẫn duy trì lượng cầu mạnh.

Chậm và chắc


Chị Tú, nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch BĐS Khang Minh (76 Hoàng Văn Thụ) cho biết, thị trường BĐS Đà Nẵng từ trước tới nay vẫn rất ổn định và giữ đúng giá trị thực của các sản phẩm. Mức giá trung bình tại khu vực trung tâm TP dao động từ 10 - 40 triệu đ/m2 tùy vị trí và mặt tiền. Lý giải về điều này, đa số các sàn giao dịch BĐS chia sẻ: Nhu cầu ở thực và đầu cơ tại Đà Nẵng đều rất rõ ràng. Người mua để ở, nhà đầu tư nhỏ lẻ hầu như không có chuyện đầu cơ, thổi giá. Và khẳng định tại thời điểm hiện nay, đầu cơ chưa xuất hiện bởi tính minh bạch và cách làm công khai, chuyên nghiệp của các sàn giao dịch BĐS nơi đây. Nhu cầu ở vừa phải, kéo theo mức giá BĐS ở mức trung bình, thậm chí là thấp so với các tỉnh, thành cùng đặc điểm như Vũng Tàu, Nha Trang, Cần Thơ… đã góp phần tạo tính minh bạch, cụ thể cho cách thức, tư duy kinh doanh BĐS của các sàn. Theo một nhân viên của Cty địa ốc ACB (Bạch Đằng, Đà Nẵng), thị trường BĐS tại Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư từ Bắc tới Nam. Đặc biệt từ 3 tháng nay, song song với các dự án đã, đang hình thành, các dự án ven biển, nghỉ dưỡng cao cấp liên tục thu hút vốn của nhà đầu tư từ Hà Nội và TP.HCM cũng như các địa phương lân cận. Điều này xuất phát từ giá BĐS nơi đây vẫn rất thấp so với mặt bằng chung. Với 2 - 3 tỷ đồng, người mua đã có thể sở hữu căn hộ tại khu vực trung tâm hoặc tiệm cận trung tâm TP có diện tích từ 60 - 100m2 như tại các đường Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Tập… Tuy nhiên, đã chớm xuất hiện hiện tượng đầu cơ, gom hàng ở dạng sơ cấp bởi dân nhập cư vào Đà Nẵng từ các tỉnh ven như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An…



Ảnh: Thái Anh


Bỏ đất nền, sang mặt bằng kinh doanh


Sôi động là vậy, nhưng thực tế là các sản phẩm đất nền, đất dự án (tầm trung, đã hình thành hoặc vừa hình thành từ giữa 2010) đã có dấu hiệu ế ẩm. Golden Hills, ThienPark… đã mở bán tới lần 2 nhưng theo nhận định của giới sành sỏi BĐS thì vẫn sẽ… dậm chân tại chỗ. Lý do đưa ra là mức giá của các dự án này vẫn giữ nguyên kể từ nhiều tháng nay trong khi thị trường BĐS Đà Nẵng đã dần nguội từ 2 tháng trở lại đây bởi lý do thắt chặt tài chính BĐS. Bởi xu hướng đầu tư hiện đang được chuyển dịch sang thuê và cho thuê mặt bằng kinh doanh. Chị Thúy, nhân viên kinh doanh Cty CP Địa ốc ACB chia sẻ: Mặt sàn cho thuê đang là tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư. Nhất là tại các vị trí đẹp như đường Bạch Đằng, đường Nguyễn Văn Linh với vị trí ven sông Hàn, hay cầu Thuận Phước. Các tòa Indochina Plaza, Riverside hay GreenPlaza (văn phòng hạng A) đã được lấp kín hầu như toàn bộ nhưng khách đến hỏi thuê vẫn liên tục. Theo tìm hiểu, giá cho thuê sàn kinh doanh tại tòa nhà ACB (Bạch Đằng, Đà Nẵng) với vị trí nhìn ra sông Hàn là từ 280 - 320 nghìn đ/m2. Giá kỷ lục về văn phòng tại Đà Nẵng hiện nay là Green Plaza.


Không chỉ tại các vị trí vàng như ven sông Hàn, dọc đường 2/9 hay trục đường Nguyễn Văn Linh với cầu Rồng đang thi công, mức giá cho thuê văn phòng kinh doanh tại một số tuyến nội thành như Điện Biên Phủ cũng bị đẩy cao liên tục. Giá cho thuê văn phòng diện tích 60m2, mặt tiền 5m tại đây hiện đang là 15 triệu đ/tháng, cách đây 2 tháng là 12 triệu đ/tháng và đầu năm là 10 triệu đ/tháng. Thậm chí, khi được hỏi về việc mua một lô đất tại mặt đường Điện Biên Phủ, Tám - một nhân viên trung tâm giao dịch BĐS ngay tại đường này lắc đầu: “Khó lắm anh ạ. Giờ nhiều người hỏi mua quá, lại thêm giá văn phòng ngày càng cao, nên chẳng ai dại gì bán cả. Anh có hỏi thuê thì thuê thôi. Mà thuê cũng chỉ tối đa được hợp đồng 1 năm…”.


Tuy vậy lành mạnh và bền vững nhưng BĐS Đà Nẵng phải hết sức thận trọng để không bị rơi vào tình trạng “Đầu tư theo đám đông” - kịch bản vốn dĩ quen thuộc của BĐS Hà Nội và Sài Gòn - nếu thiếu đi sự điều chỉnh hợp lý.

Theo Nguyễn Cảnh (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.