23/05/2014 1:36 PM
Lạm dụng kinh nghiệm và tiềm lực vốn có, nhiều "con sâu" tính chuyện "ăn xổi" bằng việc săn lùng mua các hồ sơ mời thầu (HSMT) rồi "nằm chờ" đối tác đến thương lượng bằng những khoản chi không hề nhỏ. Có nghĩa là, "con sâu" này làm "quân xanh" nhưng ra đến "vòng chung kết" thì xin rút sau khi đã "cầm một nắm tiền" của "quân đỏ".

Nước mắt... "chảy ngược"!

Bắt đầu câu chuyện với PV, ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc ban QLDA Đầu tư & Xây dựng huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) thổ lộ: "Chủ đầu tư, ai cũng muốn lựa chọn những nhà thầu có năng lực thi công thực sự. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lớn, có hồ sơ đẹp, nhưng mục đích mua HSMT đối với các gói thầu nhỏ chỉ có thể vì động cơ gây sức ép với một nhà thầu nào đó để họ phải chạy đến thương lượng. Trúng thầu, chắc gì họ đã trực tiếp thi công, có khi họ lại "sang tay" (tức bán dự án - PV) cho một đơn vị thi công địa phương thực hiện với yêu cầu không đảm bảo".

Chẳng giấu giếm PV, với kinh nghiệm làm trong nghề mấy chục năm, ông Lương bật mí, đa số các gói thầu đều đã có một đơn vị "bao" từ A-Z, được gọi là "nhà thầu ruột". Thậm chí, còn chưa nói đến việc chính nhà thầu đó là người có công đi "lốp-bi" lấy dự án về cho địa phương, nên ắt phải để họ thực hiện, mình chỉ là cấp quản lý thực hiện theo các quy định Nhà nước. Chính vì lẽ đó, theo ông Lương, việc một nhà thầu khác có tiềm lực mạnh hơn hoặc tương đương cũng khiến cho "nhà thầu ruột" phải cuống cuồng tìm đến đàm phán, tùy theo mức độ, tính chất và quy mô gói thầu để hai bên thương lượng với nhau. Nếu không làm tốt, cả "nhà thầu ruột" lẫn chủ đầu tư phải đau đầu tính toán.

Ông Lương đưa ra một ví dụ chứng minh ở một huyện khác trong tỉnh Bình Định cũng xảy ra chuyện nước mắt... "chảy ngược". Cách đây không lâu, sự là "nhà thầu ruột" đã lo chu đáo một dự án hoàn thiện, nhưng đến khi mở thầu, gói thầu này lại rơi vào tay một nhà thầu khác từ Hà Nội vào. Thế là "vỡ trận", "nhà thầu ruột" tức tối, chủ đầu tư đâm đơn kiện khắp nơi. Kết cục cả ban QLDA của huyện này lao đao với án... kỷ luật.

"Vì thế, bằng mọi giá, "nhà thầu ruột" phải thương lượng được với các nhà thầu đã tham gia vào gói thầu mình đã "bao", tốn kém lâu nay. Đó không chỉ là uy tín của "nhà thầu ruột" với chủ đầu tư mà còn là sự tồn tại của chính họ khi chi khoản tiền "lốp-bi" để được dự án này không hề nhỏ. Đó cũng chính là điểm yếu khiến các nhà thầu khác lợi dụng để "kiếm" khoản tiền khá lớn theo kiểu tự nhiên được hưởng", ông Lương cho hay.

Quá trình tìm hiểu sâu hơn về "thế giới ngầm" trong đấu thầu,PV còn được một lãnh đạo thuộc ban QLDA của một thành phố lớn chỉ ra muôn kiểu "ăn bám" ở các phiên đấu thầu hiện nay. Theo vị này, khi một gói thầu được mời chào công khai, những doanh nghiệp chân chính sẽ phải lường tính đến đối thủ cạnh tranh của mình, bên cạnh đó cũng phải lường trước, ngó sau những thành phần phá đám.

Vị lãnh đạo trong ngành trên cũng cho một ví dụ trong thành phố của ông như sau: Có một doanh nghiệp, thời gian trước làm ăn rất tốt, kinh nghiệm trên thương trường khá phong phú nhưng thời gian gần đây, thay vì tham gia đấu thầu sòng phẳng các công trình lớn, doanh nghiệp này chuyển hướng tới tất cả các công trình nhỏ, kể cả lĩnh vực mình ít kinh nghiệm cũng tham gia.

"Được "nhà thầu ruột" thương lượng tốt thì không sao, còn nếu không thì họ đâm đơn kiện khắp nơi, gây khó cho chủ đầu tư. Đến giờ thấy doanh nghiệp này tham gia thầu, đơn vị nào, kể cả chủ đầu tư cũng e dè. Nhưng được đà, họ nâng giá trị thương lượng lên cao hơn và có những điều kiện ràng buộc với chủ đầu tư cho gói thầu khác...", vị này bức xúc chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Vạch trần những "ván cờ hiểm"

Trên thương trường đấu thầu, đôi lúc chủ đầu tư bị ăn quả đắng từ các nhà thầu ma mãnh, gian lận. Một số chủ đầu tư ít kinh nghiệm rơi vào hoàn cảnh bị các nhà thầu liên tục "quây", rồi thuê các nhà thầu khác làm "quân xanh" cho mình, từ đó thắng thầu.

Đơn cử như chủ đầu tư dự án: Mở rộng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn xã T.N.. Khi chủ đầu tư đăng tải thông báo mời thầu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến hết thời gian phát hành HSMT, chủ đầu tư chỉ thấy có hai nhà thầu đến mua HSMT nên đã gia hạn thời gian phát hành HSMT. Thông báo gia hạn này cũng được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đến hết thời gian gia hạn bán HSMT, chỉ có thêm một, hai nhà thầu đến mua HSMT. Đến thời điểm đóng thầu, chỉ có ba nhà thầu đến nộp hồ sơ dự thầu.

Điều đáng chú ý là trong ba hồ sơ dự thầu thì một trường hợp, về cơ bản không đáp ứng yêu cầu của HSMT, trường hợp khác có giá dự thầu sau khi hiệu chỉnh sai lệch - giảm giá vượt giá gói thầu, hồ sơ dự thầu còn lại của công ty X. thì giá xấp xỉ với giá gói thầu. Công ty X. đã có thể trúng thầu nếu như chủ đầu tư không biết thông tin về việc nhà thầu này đã "quây thầu" và thuê hai nhà thầu khác làm "quân xanh" cho mình.

Việc "đi đêm" giữa các nhà thầu đang rất cần đưa ra ánh sáng.

Sau này tìm hiểu, chủ đầu tư dự án mới phát hiện, rất nhiều nhà thầu đã không thể tiếp cận mua HSMT vì bao giờ trước cổng đơn vị bán HSMT cũng luôn có năm đến bảy gã thanh niên bặm trợn gác. Hễ ai ra vào cũng bị tra hỏi, nếu vào vì công việc đơn thuần không sao, nhưng để mua HSMT là bị đám thanh niên bặm trợn đuổi thẳng cổ. Có thể có trường hợp mua được hồ sơ nhưng vừa cầm qua cổng đã bị nhóm người bặm trợn cướp trắng trên tay. Bỏ của chạy lấy người, nhiều nhà thầu lặng lẽ rút lui vì nếu lỡ có tham gia mà trúng đi chăng nữa, cũng khó làm ăn yên ổn với nhóm côn đồ này.

TS. Dương Văn Cận - Tổng Thư ký hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: "Một độc chiêu khác là sau khi dự án vận hành, đến lúc thay thế phụ tùng, vật tư thì các nhà thầu này nâng giá đồ thay thế. Những vật tư, thiết bị này đều là của "độc" vì thiết kế không giống ai, không thể mua của nhà cung cấp khác. Thế là họ quay ra "chặt chém" để bù vào giá trúng thầu thấp. Đó là chưa kể, nhà thầu nước ngoài rất khôn khéo khi đưa vào hồ sơ thầu các điều khoản không rõ ràng về khối lượng công việc, giá cả. Sau khi trúng thầu, họ tìm cách hất chân nhà thầu phụ Việt Nam bằng cách đưa ra giá rẻ mạt, thấp hơn giá thành".

Cũng theo TS. Cận, hiện nay không ít nhà thầu thường xuyên trì hoãn thi công công trình để chờ cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc có lợi hơn cho nhà thầu (chẳng hạn cơ chế bù giá, tính trượt giá, thanh toán phần khối lượng công việc phát sinh do công trình chậm tiến độ). Theo đó, việc trì hoãn thi công công trình, công trình chậm tiến độ thường kéo theo việc tăng tổng mức đầu tư, thậm chí có những công trình do chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công mà tổng mức đầu tư đã tăng lên hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể xem là hành vi "tống tiền"?

Luật sư Cao Văn Hoài, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Việc các nhà thầu "đi đêm" hay được gọi nhẹ nhàng hơn là thương lượng với nhau trong đấu thầu là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nó thể hiện hành vi đưa và nhận hối lộ rất rõ ràng, có khi còn là tống tiền. Thế nhưng, từ bóng tối đưa ra ánh sáng lại là một câu chuyện không thể, bởi chính đơn vị được gọi là "nhà thầu ruột" cũng không dám trình báo cơ quan pháp luật khi biết nhà thầu khác đang gây sức ép để lấy tiền mình. Nếu họ trình báo, khác gì chuyện "lạy ông con ở bụi này", khi chính họ tự đi tố cáo mình đã "thông đồng", móc ngoặc với chủ đầu tư để có được gói thầu từ trước.

Trần Quyết (ĐS & PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.