Tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng của dân cư và tổ chức kinh tế giảm chứng tỏ tình trạng đôla hóa có dấu hiệu giảm bớt, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm.


TS. Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi về thực trạng thị trường ngoại hối sau khi những giải pháp ổn định vĩ mô được thực hiện.

TS. Dương Thu Hương nêu rõ, thị trường ngoại tệ ổn định và biểu hiện xu hướng vận động tích cực. Theo đó, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do xuống thấp, giá mua vào USD trên thị trường tự do bằng hoặc thậm chí thấp hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại bắt đầu mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp và dân cư. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến việc chuyển các khoản tiền gửi bằng USD sang VND.

NHNN đang mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhưng không mua ào ạt. Khối lượng mua, thời điểm mua trong ngày, giá mua được tính toán cẩn trọng. Lượng ngoại tệ mua vào phải cân đối với lượng tiền đồng đưa ra để không ảnh hưởng đến lượng nội tệ trong lưu thông, vẫn đảm bảo mục tiêu chống lạm phát. NHNN đang ở thế chủ động hoàn toàn trên thị trường ngoại hối.

Đã thấy rõ cung cầu tiền đồng và cung cầu ngoại tệ đang có mối quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Để đảm bảo vừa mua được USD, vừa không đẩy cung tiền đồng lên quá mức, NHNN có thể sẽ kéo dài thời gian mua. Như vậy USD có khả năng tiếp tục mất giá so với tiền đồng hoặc đứng ở mức thấp. Từ nay giá mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ giá công bố hàng ngày của cơ quan quản lý ngành ngân hàng. Còn giá bán ra cũng sẽ không thể có khoảng cách quá xa so với giá mua. Một khi đầu vào ngoại tệ dồi dào, thì lợi nhuận nhiều ít không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách giá mua – giá bán, mà còn phụ thuộc vào khối lượng tiêu thụ. Chênh lệch giá vào – ra thấp, nhưng tiêu thụ được nhiều, thì lợi nhuận vẫn có thể cao hơn.

NHNN đang xem xét khả năng nâng trần lãi suất huy động tiền đồng từ 14% lên 16%/năm nhằm hút thêm tiền gửi của dân cư vào ngân hàng. Động thái này nếu được thực hiện có hai cái lợi: thứ nhất nó giúp cải thiện nhanh tình trạng thanh khoản của ngân hàng, đặc biệt ngân hàng nhỏ và nó không làm thay đổi mặt bằng lãi suất bởi thực tế không ít ngân hàng đã thoả thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng 16 – 18%/năm dưới nhiều hình thức khác nhau. Nâng trần lãi suất huy động chỉ là sự hợp thức hoá một thực tế đang tồn tại.

Mặt khác, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất cho vay cao hơn vì lãi suất đầu ra đang dao động quanh 19 – 24%/năm. Tăng nữa doanh nghiệp không chịu nổi, họ sẽ không vay. Đó là chưa kể đến sự dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền đồng của dân cư chưa kết thúc và còn kéo dài, nên về căn bản cung tiền đồng sẽ bớt căng thẳng. Những ngân hàng đón đầu, đi trước cũng không dễ tăng thêm lãi suất cho vay.

Thứ hai, nó củng cố sự kiên định và tính hợp lý trong điều hành tiền tệ của NHNN bắt đầu từ lần điều chỉnh tỷ giá ngày 11.2.2011. Mục tiêu ổn định và gia tăng sức mạnh cho đồng Việt Nam đang được ưu tiên. Những nghi ngờ xung quanh việc tiền đồng có thể yếu trở lại vẫn còn và chắc chắn chưa thể bị xoá bỏ hết ngày một ngày hai. Hiện tại chỉ có sự nhất quán và kiên định mới dần loại bỏ được mối nghi ngờ đó.

Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do xuống thấp, những khó khăn trước mắt trên thị trường ngoại hối đã lắng dịu rất nhiều. Nhưng về lâu dài, những bất ổn trên thị trường này vẫn sẽ tồn tại chừng nào mà vấn đề lạm phát ở Việt Nam chưa được giải quyết một cách rốt ráo và niềm tin vào VND không được xây đắp một cách vững vàng.

Các chuyên gia cho rằng áp lực phá giá VND vừa lắng dịu dưới tác động của các chính sách như thắt chặt tiền tệ, dẹp bỏ thị trường chợ đen, giảm mức trần lãi suất huy động USD,… sẽ chỉ là những diễn biến mang tính ngắn hạn của tỷ giá.

Ổn định tỷ giá trong dài hạn tuỳ thuộc vào việc giải quyết căn nguyên sâu xa của lạm phát Việt Nam vốn không nằm ở chính sách tiền tệ, mà ở chính sách tài khóa, ở chính sách đầu tư quá mức.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, ICOR của Việt Nam cao hơn gấp rưỡi thậm chí gấp đôi so với khu vực. Do đó nếu không giải quyết tận gốc tính kém hiệu quả của nền kinh tế thi không thể tăng trưởng cao mà không gây lạm phát.

Theo Ts. Vũ Thành Tự Anh, lạm phát của Việt Nam có tính khứ hồi – đi rất nhanh và trở lại cũng rất nhanh. Nguyên nhân đằng sau lạm phát của Việt Nam là tăng cung tiền (lạm phát do cầu kéo), chi phí đầu vào tăng (lạm phát do chi phí đẩy) và đầu tư vào tín dụng tăng – tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam bằng 130% GDP. Do đó, mặc dù tốc độ tăng tín dụng giảm thì quy mô tăng tín dụng rất lớn- đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát Việt Nam.

Ngoài ra, vốn đầu tư tích lũy hiện nay là khoảng 400% GDP so với năm 1995 là 100%GDP, năm 2001 là khoảng 200%GDP, đầu tư hàng năm khoảng 40-42%GDP, với tốc độ tăng trưởng đầu tư 14-15%/năm - gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Do đó, lượng vốn cần đến là rất lớn. Chính sách tiền tệ thường chạy theo chính sách đầu tư, chính sách tài khóa, bắt buộcViệt Nam phải tăng cung tiền.

Lạm phát của Việt Nam xuất phát tự nội tại, tính kém hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

Ts. Vũ Thành Tự Anh nêu rõ, ưu tiên hàng đầu của Chính Phủ trong năm 2011 là bình ổn kinh tế vĩ mô. Bởi nếu không bình ổn vĩ mô, đà tăng trưởng chậm lại, niềm tin của nhà đầu tư sẽ bị suy giảm, đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn. Bình ổn vĩ mô đồng nghĩa với chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ thắt chặt – Nghị quyết 11. NHNN giới hạn trần tăng trưởng tín dụng 20%, giới hạn trần tăng trưởng cung tiền 16%, lãi suất trần huy động USD 3%; và chính phủ quyết tâm cắt giảm ngân sách.

Ts. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, Nghị quyết 11 đưa ra nhằm 2 nhóm chính sách lớn – thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khóa. Về nguyên tắc 2 chính sách này có tính tiêu chuẩn. Nhưng luôn có 1 khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.

Khi NHNN quyết định giữ nguyên tốc độ tăng trưởng tín dụng 20%, áp cho tất cả các tổ chức tín dụng. Điều này đồng nghĩa những ngân hàng có rủi ro thấp, hoạt động lành mạnh chịu chung toa thuốc đắng với những ngân hàng tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. Do đó, cần thiết phải phân loại ngân hàng thành các nhóm khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng không giới hạn ở mức 20% mà có thể cao hơn hoặc thấp hơn hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tùy vào từng nhóm ngân hàng.
Cafeland.vn - Theo Tầm Nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland