Nhiều ngân hàng luôn dương cao slogan nhấn mạnh "triết lý kinh doanh": là đối tác tin cậy, người bạn - người đồng hành của doanh nghiệp. Song, niềm tin vào đối tác, vào người đồng hành này không ít lần bị tan vỡ khi các ngân hàng tìm cách làm khó và bất chấp các quy định để kiếm lãi từ các DN, điển hình là thực tế USD hai giá đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng.

Thông thường, mỗi khi có khó khăn về giao dịch mua bán USD, các ngân hàng thường viện đủ lý do để không bán USD cho DN. Nhưng điều đó không có nghĩa là DN không thể mua được USD từ ngân hàng, mà vấn đề là mua bằng cách nào và giá nào mà thôi. Cách phổ biến nhất là các DN phải chấp nhận mua USD với giá cao hơn trần quy định, thậm chí ngang ngửa với giá trên thị trường "chợ đen".

Tuy nhiên, trong các hợp đồng mua bán, tỷ giá vẫn được ghi theo đúng mức quy định, phần tăng thêm thường được hợp thức hóa qua một hợp đồng dịch vụ tư vấn mà DN phải trả phí cho ngân hàng.

Căn bệnh mãn tính

Gần đây, TAND TP. Hà Nội vừa xét xử vụ án Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Phát (quận Ba Đình, Hà Nội) kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân (NN&PTNT) về việc ngân hàng thu phí sai quy định.

Cụ thể, chỉ để mua được 736.000 đô la Mỹ (USD), với số tiền VND phải trả theo tỷ giá niêm yết tại thời điểm mua 12.233.056.000 đồng, DN đã phải trả hơn 1 tỷ đồng cho ngân hàng với lý do: để thanh toán phí dịch vụ mua ngoại tệ.

Theo xác định, đây là khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, mua bán ngoại tệ. Điều này làm tăng chi phí vay vốn của khách hàng, không đúng quy định. Nhưng về thực chất cả DN và ngân hàng đều biết, đây là một cách để hợp thức hóa việc bán USD vượt trần cho phép. Song, vụ kiện hiếm hoi này chỉ DN dám công khai thắng cuộc, còn hầu như mọi việc đều được ngân hàng thực hiện kín kẽ.


Bản thân DN cũng ngại kêu ca vì sợ va chạm với ngân hàng sẽ bị gây khó dễ cho nhưng lần sau nên tình trạng USD niêm yết một đường, mua bán một nẻo trong ngân hàng dường như ai cũng biết nhưng lại không dễ nói ra.

Mặc dù vậy, việc thu phí sai hay cố tình bán USD vượt trần đã là một thực tế được thừa nhận. Còn nhớ, cuối năm 2009, sau một thời kỳ căng thẳng về tỷ giá khiến DN khốn đốn và phải kêu ca nhiều lên cơ quan quản lý, các ngân hàng thương mại lớn đã ngồi lại với nhau đưa ra một đồng thuận sẽ chấm dứt tình trạng bán USD vượt quá trần quy định. Thời điểm đó, việc này được xem như là một nỗ lực của các ngân hàng cùng với cơ quan quản lý để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, thông qua đây, chính các ngân hàng cũng đã phần nào thừa nhận có tình trạng bán USD vượt trần trong hệ thống của mình.

Cuối năm 2010, sau khi có nhiều nhiều doanh nghiệp gọi đến đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ảnh việc mua USD vượt trần hay phải trả phí cho ngân hàng để có ngoại tệ thanh toán.

NHNN chi nhánh TP.HCM đã ra thông báo cho biết sẽ kiểm tra NH mua bán USD vượt giá trần. Đại diện cơ quan này cũng thừa nhận đã nắm được tên một số tổ chức tín dụng bán USD vượt giá trần, núp dưới các hình thức như phí giao dịch ngoại tệ, phí kiểm đếm, phí hồ sơ... hoặc cộng vào lãi suất đẩy giá USD giao dịch thực tế lên ngang ngửa thị trường tự do.

Trước đó, giữa năm 2009, khi tình hình bán USD vượt trần, thu phí ngoại tệ làm khốn khó DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng không được phép thu phí thông qua các hợp đồng dịch vụ và các hình thức khác như chi trả hoa hồng, phí quản lý tiền mặt... nhằm mục đích làm tỷ giá mua bán ngoại tệ thực tế vượt tỷ giá trần theo quy định. Đồng thời, cơ quan này cũng kêu gọi các TCTD, doanh nghiệp tố cáo ngân hàng thông qua các hình thức để mua bán USD vượt mức tỷ giá trần quy định về đường dây nóng của NHNN để chấn chỉnh và xử lý.

Về nguyên tắc, theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối, DN và người dân phải mua bán USD thông qua ngân hàng, theo tỉ giá do ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, thực tế trên đây cho thấy, có nhiều giai đoạn DN không thể làm đúng theo quy định trên. Không chỉ các ngân hàng mà cả cơ quan quản lý, bằng cách này hay cách khác, cũng xác nhận có hiện tượng này trong hệ thống và liên tục cảnh báo về việc sẽ kiểm tra, xử lý mạnh tay. Song, dường như đây là một căn bệnh "mãn tính" khó trị và chỉ chực bùng phát khi có dịp.

Đưa "chợ đen" vào ngân hàng

Gần đây, mỗi khi USD căng thẳng, mức chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giá USD trên thị trường "chợ đen" chênh nhau khoảng hơn 1.000 đồng/USD. Nếu ngân hàng tìm cách "lách luật" đến bán giá USD ngang với giá "chợ đen" thì khi cần mua khoảng 1 triệu USD, DN phải tốn thêm khoảng một tỷ đồng.

Tất nhiên, khoản chi phí này sẽ được DN tính vào giá thành và nó trở thành một trong những lý do tạo sức ép tăng giá hàng hóa. Chi phí và giá thành cao sẽ khiến cho việc sản xuất và cạnh tranh của DN khó khăn hơn.


Thậm chí, có DN còn cho biết, các khoản chênh lệch do mua USD giá cao có khi còn không đươc thể hiện trong hợp đồng hay bất cứ một chi phí hợp lý được thừa nhận của DN. Đương nhiên cơ quan thuế sẽ xem đó là lợi nhuận và đưa vào tính thuế. Và như thế, DN đã thiệt đơn còn thiệt kép mà không biết kêu ai. Thậm chí, để tìm cách hợp lý hóa, các DN buộc phải làm đủ kiểu giấy tờ để chứng minh. Điều đó đẩy DN vào làm dối, vi phạm pháp luật về quản lý DN và thuế...

DN là nạn nhân tất nhiên chịu nhiều thiệt thòi, nhưng các ngân hàng là người hưởng lợi cũng phải xử lý không ít vấn đề để "nuốt trôi" khoản lợi không hợp lý này vì luật quy định cấm thu các khoản phí làm tăng giá USD vượt trần. Để tránh được cơ quan quản lý phát hiện và xử phạt, việc xử lý này cũng đã thành một "công nghệ" của các ngân hàng.

Đáng nói hơn, khi làm khó DN cần mua USD thì chính các ngân hàng cũng bị các DN có USD làm khó. Điển hình là khi các DN xuất khẩu có USD nhưng không bán cho ngân hàng, và chỉ bán nếu được ngân hàng trả giá cao hơn. Vòng luẩn quẩn từ đó được tạo ra: găm giữ USD, đẩy giá tăng lên.

Suy cho cùng, với việc tồn tại hai tỷ giá, DN và ngân hàng đều biết là sai, là gây ra nhiều rủi ro nhưng cả hai cùng chấp nhận phạm luật để tồn tại đó thực sự là một nghịch lý. Điều này khiến cho thị trường thêm méo mó và có nhiều rủi ro.

Nói về thực tế này, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính, cho rằng, đây chính là tình trạng "chợ đen" diễn ra ngay trong lòng hệ thống ngân hàng, chứ không chỉ ở ngoài đường phố. Ở đó luôn xuất hiện hai loại tỷ giá chính thức - tỷ giá ngầm thỏa thuận với nhau.

Ngoài những khó khăn và rủi ro về kinh doanh xảy ra, nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại về những rủi ro quản trị và đạo đức. Điều đó là hoàn toàn có thể khi các DN cũng như ngân hàng luôn phải gian dối để hợp thức hóa các loại chi phí. Thậm chí có hẳn những hệ thống báo cáo khác nhau, cái dành cho "ông chủ" với những thông tin chính xác, cái dành cho cơ quan quản lý đã được xử lý và hợp lý hóa. Một DN hay ngân hàng tồn tại trên một hệ thống thông tin sai lệch và gian dối sẽ không bao giờ có được một sự thống nhất và minh bạch, đó thực sự là một rủi ro lớn về quản trị.

Hơn thế, đối với các ngân hàng - một tổ chức kinh doanh luôn khắt khe với các tiêu chuẩn về quản lý, an toàn nhưng lại chủ trương làm sai và gian dối thì đó chính là tiền đề xuất hiện rủi ro đạo đức, làm mất phẩm chất của nhân viên ngân hàng. Hậu quả thật khó lường khi các ngân hàng đang tự biến mình thành những khu "chợ đen'" bất cứ lúc nào có thể.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland