24/05/2023 5:00 PM
Thị trường đi xuống khiến cho chỉ số ROE của một số nhà phát triển bất động sản lớn giảm nhẹ.

Kết thúc năm 2022, chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trung bình của một số doanh nghiệp phát triển bất động sản điển hình trên thị trường đạt 11% năm 2022, giảm so với mức 14,95% năm 2021. Hiệu quả sinh lời trên mỗi đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ cao hơn mức 10,14% năm 2017 và thấp nhất kể từ năm 2018.

Tính đến ngày 31/12/2022 tỷ suất ROE của một số công ty niêm yết lớn như Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) là 20,6%; Công ty cổ phần bất động sản Văn Phú (mã chứng khoán: VPI) có mức ROE 15,09%; Công ty cổ phần Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) là 10,02; Còn lại hầu hết các công ty bất động sản niêm yết lớn khác đều ghi nhận ROE ở mức dưới 10%.

Trong năm 2022, hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của doanh nghiệp bất động sản trung bình đạt 4,03%, thấp hơn nhiều so với mức 6,45% năm 2021. Đây cũng là mức hiệu quả sinh lời thấp nhất kể từ năm 2018 với ROA chỉ đạt 5,15%.

Khảo sát doanh nghiệp ngành Bất động sản - Vietnam Report, tháng 2/2020, tháng 2/2021, tháng 2/2022 và tháng 2/2023

Kể từ quý I/2022, doanh thu và lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản đã giảm mạnh. Quý gần nhất, doanh thu giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%. Môi trường kinh doanh không thuận lợi đã khiến tốc độ bán dự án chậm lại.

Nhiều công ty cho biết lượng dự án dở dang tồn kho lớn, với số ngày tồn kho tăng gấp đôi từ khoảng 1.000-1.200 ngày (khoảng 3 năm) trước năm 2020 lên 2.484 ngày (gần 6 năm) vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh trong 2022 đã dẫn đến lợi nhuận của nhiều công ty chỉ bằng 64,91% so với năm 2021.

Hiện tại, sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản bắt đầu có ghi nhận dấu hiệu tích cực về nguồn cung và giao dịch tại một số dự án chung cư có vị trí thuận lợi, được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín và có chất lượng bàn giao tốt. Tuy nhiên, toàn bộ các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản, khách hàng và nhà đầu tư đều luôn ở trong trạng thái nghe ngóng và chờ đợi.

Trong hai tháng cuối quý I/2023, thị trường đã đón nhận những điểm sáng từ việc ban hành nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP, thông tin về gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại, 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và thông tin sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Một số nhà phát triển bất động sản đã trở lại thị trường trái phiếu với 6 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 5 công ty có tổng giá trị 23,7 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các giải pháp này mới phát huy ở giai đoạn “trấn an tinh thần”, chưa trở thành đòn bẩy khiến thị trường “quay đầu”.

Nhìn chung toàn bộ thị trường chưa thể khởi sắc do khả năng tài chính của phần lớn khách hàng đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế chung. Đồng thời, niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản chưa được phục hồi hoàn toàn và tâm lý của nhiều khách hàng vẫn còn chờ “bắt đáy”, chờ giá tiếp tục giảm.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.