CafeLand - Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty FLC, cho biết vì siêu lợi nhuận, những đường bay vàng đang được khai thác triệt để, và đó là một trong những nguyên nhân chính gây mất cân bằng cho hạ tầng cảng hàng không.

Bamboo Airways ra đời tại Việt Nam như một câu chuyện cổ tích, song đi với đó là sự ngờ vực từ phía công chúng. Vượt lên tất cả khen chê của dư luận, rất có thể ngày 10/10 tới đây, chuyến bay đầu tiên của hãng này sẽ được cất cánh.

Bên lề cuộc hội thảo “Phát triển hàng không – chắp cánh du lịch Việt Nam”, CafeLand đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cha đẻ của hãng hàng không Bamboo Airways về con đường để Bamboo cất cánh và những khó khăn để biến giấc mơ này thành hiện thực.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC

Nhiều người tỏ ra nghi hoặc về khả năng ra đời và thành công của Bamboo Airways, xin ông cho biết FLC đã chuẩn bị những gì cho hãng máy bay riêng của tập đoàn?

Ông Trịnh Văn Quyết: Trong vòng 4 năm trở lại đây, FLC đã chuẩn bị cả về tài chính, nhân lực cho việc ra đời Bamboo Airway, và trong 2 năm trở lại đây thì việc chuẩn bị sức ráo riết cả về nhân lực, vật lực và chiến lược kinh doanh.

Sau những nỗ lực ấy, gần đây Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Bamboo Airways, nhưng để bay được còn rất nhiều thủ tục hành chính liên quan để chiếc máy bay đầu tiên cất cánh. Nhanh nhất ngày 10-10 tới đây sẽ có chuyến bay chính thức đầu tiên.

Trong tháng 3/2018 FLC đã mua 24 máy bay Airbus, tháng 6 đã muc tiếp 20 máy bay Boeing 787. Chúng tôi đã thanh toán tiền cho 2 nhà sản xuất và việc bàn giao máy baysẽ diễn ra sớm nhất là tháng 1/2020 và năm 2021.

Một trong những khó khăn khi một hãng hàng không mới ra đời tại Việt Nam được cảnh báo trước là cơ sở hạ tầng, cảng hàng không đang rất yếu, không đủ đáp ứng nhu cầu của các hãng có sẵn chứ chưa nói tới hãng mới. Theo ông, đây có phải một rào cản với Bamboo Airways thời gian tới?

Theo tôi, cảng hàng không hiện nay đã đủ rồi, nhưng cơ quan quản lý nhà nước đang bỏ ngỏ việc phần luồng bay, giống như bỏ ngỏ quản lý giao thông hàng không. Nếu có sự phân lưồng như cảnh sát hàng không thì cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ không tắc nghẽn như bây giờ.

Nói rõ hơn là việc phân luồng là tạo ra cơ chế, chính sách, cưỡng chế các hãng hàng không bay tất cả các tuyến bay để giảm áp lực hàng không cho Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, hiện nay nếu muốn bay từ Thanh Hoá và các tỉnh Quảng Bình, TP.HCM, các tỉnh miền Tây thì chúng ta phải ra Hà Nội rồi mới bay được đi các tỉnh đó hoặc từ các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng tương tự, phải ra TP.HCM mới bay được đi các tỉnh miền bắc.

Nếu có sự phân luồng bay, thì các hãng hàng không sẽ không chỉ được chọn những đường bay vàng để bay mà phải bay tất cả các tuyến hiện có để phân luồng, giảm áp lực cho 2 thành phố lớn.

Vì sao các hãng máy bay chỉ chọn đường bay vàng? Vì những đường bay này là siêu lợi nhuận. Tôi đưa ra một tính toán nhỏ thế này: một vé khứ hồi từ Hà Nội và Sài Gòn khoảng 5,4 triệu đồng. Một chiếc máy bay có sức chứa khoảng 200 chỗ, số tiền thu về cho một chuyến là 1,1 tỉ đồng. Một ngày, một chiếc máy bay airbus bay tối thiểu 6 chuyến từ Hà Nội và TP.HCM và ngược lại. Một chiếc máy bay một ngày sẽ tạo ra 3,3 tỉ đồng doanh thu, một tháng là 99 tỉ đồng doanh thu.

Như hiện nay, FLC đang thuê một chiếc máy bay Airbus với giá 400.000 USD/tháng (10 tỉ đồng/tháng). Chi phí tiền vé cho một chiếc máy bay trong một tháng là 10 tỉ đồng, tiền xăng dầu là 23 tỉ đồng và khoảng 6 tỉ đồng chi phí. Như vậy, chi phí cho một chiếc máy bay trong một tháng mất khoảng 40 tỉ đồng. Trong khi một chiếc máy bay Airbus lấp đầy một tháng sẽ “kiếm” được khoảng 60 tỉ đồng lợi nhuận, tương đương khoảng 2 triệu USD/tháng. Nếu trừ đi khoảng không lấp đầy từ 30-40% thì số lợi nhuận này sẽ vào khoảng 1 triệu – 1,5 triệu USD/tháng.

Nếu một hãng có 10 chiếc máy bay bay trên đường bay vàng thì trung bình mỗi tháng sẽ kiếm được từ 10-15 triệu USD. Còn nếu là 20-40 cái máy bay vừa lợi nhuận lại không phải tính toán gì nữa.

Chính vì siêu lợi nhuận như vậy nên hãng máy bay nào cũng chỉ muốn bay các tuyến “hot” như Hà Nội – Sài Gòn hoặc Hà Nội – Đà Nẵng và các tuyến này được khai thác triệt để. Chính điều này gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông Nội Bài, Tân Sơn Nhất và khó đáp ứng được.

Liệu FLC có ý định đầu tư cảng hàng không không, nếu có cơ hội?

Tôi nghe từ cuộc làm việc của Bộ Giao thông với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có trả lời tôi tằng đã làm hãng hàng không thì không được đầu tư cảng. Tuy nhiên, nếu các quy định hiện nay không vướng mắc thì FLC sẵn sàng quan tâm đầu tư vào cảng.

Điều gì sẽ làm nên thành công cho Bamboo khi đã có 2 ông lớn ngáng đường và cũng có tiền lệ nhiều hãng hàng không chưa ra đời đã chết yếu?

Chúng tôi có cách đi riêng, giống như bất động sản của FLC. Bốn năm trước đây, nhiều người không biết FLC là gì, những tới nay đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu về bất động sản nghỉ dưỡng.

Riêng với Bamboo, chúng tôi sẽ đi vào thị trường ngách, là người đi sau thì chúng ta phải có lối riêng, vừa hợp với sức mình, lại không bị phá sản. Bamboo sẽ tập trung vào phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng du khách từ trung, cao cấp đến giá rẻ, thậm chí siêu rẻ.

Đến 2020, FLC sẽ có khoảng 20 khu nghỉ dưỡng, trải dài từ Bắc vào Nam. Chúng tôi dự kiến đưa chiến lược kinh doanh, cứ khách hàng bay Bamboo Airways, chúng tôi lấy tiền vé gọi là có lấy hoặc miễn phí và chỉ lấy tiền phòng nghỉ.

Chúng tôi đầu tư số lượng máy bay lớn, hiện đại, vì thế không có lý do gì mà Bamboo không thành công.

Bamboo cũng sẽ khác so với các hãng máy bay chưa ra đời đã chết yếu. Họ chết yểu bởi chỉ dám đầu tư chỉ có bay 1-3 cái, còn Bamboo sẽ bay với 20 cái trong năm 2018 và năm 2019 sẽ thêm 20-30 máy bay nữa. Điều này đảm bảo rằng du khách đặt vé Bamboo không sợ không có máy bay để bay.

Cùng với đó, để chuẩn bị cho công tác quản trị, FLC cũng tuyển dụng nhân sự cho Bamboo với điều kiện tiên quyết là nói được 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. Những cán bộ chủ chốt của Bamboo như tiếp viên trưởng, tiếp viên phó đều là người nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc tại các hãng hàng không 5 sao trên thế giới.

Các tuyến bay của Bamboo sẽ không giới hạn ở các đường bay vàng mà còn mở ra rất nhiều tuyến bay mới tại các tỉnh có khu nghỉ dưỡng của FLC và địa điểm du lịch lớn của Việt Nam như Thanh Hoá – Quy Nhơn, Vân Đồn – Quy Nhơn, Thanh Hoá – Cần Thơ… Dự kiến năm 2019, Bamboo sẽ mở bay quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.