Pháp Luật TP.HCM ngày 21-5 thông tin về tình hình xây dựng không phép đang rộ lên tại huyện Bình Chánh và quận 9. Sáng sớm cùng ngày, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn lập tức chỉ đạo hai đoàn thanh tra xây dựng cơ động xuống kiểm tra.
Ba ngày, mọc lên 58 căn
“Chỉ ba ngày kể từ khi Nghị định 26/2013 tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng có hiệu lực (tức từ ngày 15 đến 18-5), tại xã Vĩnh Lộc A xảy ra 58 trường hợp xây dựng không phép” - ông Lê Minh Châu, Đội phó Đội Thanh tra xây dựng phụ trách huyện Bình Chánh, cho biết.
Theo ông Châu, từ ngày 18 đến 21-5 xã Vĩnh Lộc A đã cưỡng chế tháo dỡ 38 trường hợp. Số còn lại do nằm rải rác hoặc đang có người ở nên thực hiện theo quy trình. “58 căn là số lượng mà xã phát hiện được và đang xử lý, chưa phải số liệu đầy đủ trên thực tế” - ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, nhìn nhận.
Ông Quay cho rằng sở dĩ nhà xây không phép đang rộ lên là do nhiều đầu nậu, người dân lợi dụng thời điểm chuyển giao thanh tra xây dựng theo Nghị định 26. “Các ấp báo về liên tục, có trường hợp mới cưỡng chế tháo dỡ buổi sáng thì buổi chiều họ dựng lại. Xã đã tổ chức ba nhóm cưỡng chế những công trình vi phạm, thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua chúng tôi cũng làm việc nhưng vẫn quá tải” - ông Quay nói thêm.
Một căn nhà không phép đang bị cưỡng chế tháo dỡ tại xã Vĩnh Lộc A. Ảnh: CẨM TÚ (chụp ngày 21-5)
Do cơ chế quản lý
Ông Quay nhận định cơ chế quản lý là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. “Quân số xã quá ít, không có lực lượng hỗ trợ, những người mới nhận nhiệm vụ chưa có kinh nghiệm. Lực lượng giao cho xã quản lý thì không có đồng phục, chưa có chức danh nên không thể mạnh dạn tham gia” - ông Quang cho biết.
Về vấn đề này, ông Châu thông tin: Theo mô hình thanh tra xây dựng tại Quyết định 89/2007 của Thủ tướng Chính phủ, xã Vĩnh Lộc A có 38 nhân sự quản lý 15 tổ. Nhưng đến ngày 15-5, khi thực hiện theo Nghị định 26/2013, lực lượng này chỉ còn lại chín người. Những người vừa được phân công phụ trách xã đều hoàn toàn mới nên chưa nắm được địa bàn.
Lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A cho hay do lực lượng thanh tra xây dựng giảm quá mạnh so với trước đó, tổ trật tự đô thị lại chưa được thành lập nên không có người tham gia cưỡng chế. Những nhân sự đang “bơ vơ” chỉ có thể hỗ trợ xã bằng việc đi rảo địa bàn để thông báo tình hình nhưng cũng khó khăn do không được chính danh. “Ngay cả chuyện thuê xe kobe để tháo dỡ nhà cũng khó khăn, trong xã không chủ xe nào dám cho thuê vì sợ bị trả thù. Sau cùng chúng tôi chỉ thuê được một chiếc bên xã Vĩnh Lộc B” - ông Quay nói.
Mở chiến dịch để triệt tận gốc
Cũng theo ông Quay, ngay trong buổi chiều 21-5 xã đã có báo cáo khẩn gửi UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng đề nghị hỗ trợ. Ngoài tăng cường lực lượng để khống chế tình trạng xây dựng không phép, xã đề nghị cần gấp rút thành lập tổ trật tự đô thị để thực hiện cưỡng chế.
Đại diện lãnh đạo Thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng cho biết trước mắt sẽ điều động nhân sự của các xã khác để hỗ trợ xã Vĩnh Lộc A. “Phải mở chiến dịch trong một tuần hoặc 10 ngày để tháo dỡ hoàn toàn những công trình mới mọc thì mới ngăn chặn những trường hợp khác phát sinh. Thanh tra Sở Xây dựng sẽ túc trực để cùng thực hiện với xã” - vị này khẳng định.
Chiều cùng ngày, xã Vĩnh Lộc A với sự giúp sức của đoàn thanh tra cơ động Sở Xây dựng đã tháo dỡ hoàn toàn khoảng 10 công trình không phép tại khu vực thuộc tổ 17, ấp 3 (quy hoạch là khu công nghiệp mở rộng) và tổ 11, ấp 5 (quy hoạch là đất nông nghiệp dự trữ). Qua quan sát, chỉ riêng hai khu này đã có trên dưới 10 căn nhà mới hoặc đang xây, có căn đã hoàn thiện, có căn đang đổ móng.
Đại diện xã này cho hay gần hết công trình vi phạm đều không xác định được chủ, chỉ có các thợ xây hoạt động, còn đất thì đã mua bán giấy tay qua nhiều người nên cũng khó biết chính xác ai là chủ thật sự. Sở Xây dựng yêu cầu xã lập biên bản vi phạm một số công trình mới mọc với quy mô kiên cố và tháo dỡ sau ba ngày.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Long Trường, quận 9, cho biết sáng 21-5, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận 9 và Thanh tra Sở Xây dựng đã xuống kiểm tra những trường hợp xây dựng không phép trên địa bàn phường Long Trường. Trước đó phường cũng ra quyết định cưỡng chế, chậm nhất đến cuối tháng 5 sẽ tháo dỡ chín căn nhà xây không phép. Đúng là có nhiều trường hợp xây nhà không phép nhưng lãnh đạo phường không hay biết do thanh tra xây dựng phường trước đây không báo cáo. Sắp tới, phường sẽ xem xét trách nhiệm những cá nhân liên quan. Chiều 21-5, UBND quận 9 đã làm việc với lãnh đạo phường Tăng Nhơn Phú B để giải quyết vụ việc liên quan đến bài viết “Phường làm ngơ cho xây dựng lụi” (Pháp Luật TP.HCM ngày 18-5). Lãnh đạo quận chỉ đạo phường kiên quyết tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép trên thửa đất số 231 tại đường 11, khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B (36 phòng trọ với diện tích gần 700 m2) trước ngày 31-5. ÁI NHÂN - M.QUY 600 trường hợp xây nhà không phép, hơn 200 trường hợp xây dựng sai phép diễn ra trong năm 2012 trên địa bàn huyện Bình Chánh. Hơn 40% nhà xây không phép bị cưỡng chế ngay từ đầu, số còn lại đang được xử lý. Một số thanh tra xây dựng có tiêu cực đã bị buộc thôi việc. Cần khẳng định nguyên nhân chính của việc xây nhà không phép là do các đầu nậu chuyên phân lô bán nền, kiêm luôn việc xây nhà không phép rồi rao bán lại cho những người có nhu cầu về nhà ở. Trong giai đoạn chuyển giao thanh tra xây dựng, huyện đã chỉ đạo các xã sử dụng lực lượng còn lại phối hợp với cán bộ địa chính đến các điểm vi phạm lập biên bản, sau đó chủ tịch xã ra quyết định xử lý. Huyện yêu cầu phải xử lý triệt để ngay từ đầu nhằm giảm bớt thiệt hại cho dân. Công an huyện cũng phải vào cuộc để điều tra, xử lý nghiêm các đầu nậu. Ông ĐOÀN NHẬT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh T.HIẾU ghi |