Một lô đất có diện tích 216m2 được đấu giá mức khởi điểm chỉ 805 triệu đồng. Tuy nhiên, sau vài lần gõ búa giá trị lô đất đã được thổi lên hơn 2,5 tỉ đồng. Điều đáng nói, sau khi tăng giá hơn gấp 3 lần lô đất lại rơi vào tình trạng “vô chủ” bởi người trúng đấu giá biến mất, chấp nhận bỏ khoản tiền cọc khá lớn.

Những cơn sốt ảo đẩy giá đất tăng gấp nhiều lần (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã phải ký hàng loạt quyết định về việc huỷ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn sau khi người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền trúng đấu giá theo quy định.

Theo tìm hiểu, những người trúng đấu giá đất tại huyện Quảng Xương thời gian qua đều không phải là người địa phương, những người có nhu cầu mua đất để ở mà chủ yếu là dân đầu tư bất động sản từ nơi khác đến. Những người này tham gia đấu giá và sẵn sàng nâng giá trị của lô đất lên cao cấp nhiều lần so với mức khởi điểm. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá họ không thể tìm được “khách hàng” để sang tay nên đành chấp nhận bỏ khoản tiền cọc trước đó.

Đại diện huyện Quảng Xương cho biết, đối với các lô đất đã đấu giá trên địa bàn nếu người trúng đấu giá không nộp tiền đúng quy định thì huyện sẽ thu về được khoản tiền 100 tỉ đồng tiền cọc.

Tình trạng tham gia đấu giá đất sau đó chấp nhận bỏ cọc tháo chạy xuất hiện phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tại những khu vực ngoại thành trong những cơn sốt đất chớp nhoáng giá trị lô đất bị đẩy lên cao gấp nhiều lần gây sốt ảo.

Tháng 4/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Bắc Giang) phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên tổ chức đấu giá quyền sử dụng 35 lô đất ở tại xã Hương Mai (Việt Yên).

Kết quả, 100% lô đất trúng đấu giá với tổng số tiền gần 50 tỉ đồng, tăng 20,2 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Lô có giá trị trúng cao nhất hơn 2,5 tỉ đồng với diện tích 216 m2 tại khu dân cư Xuân Lạn, vượt so với giá khởi điểm 805 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi trúng đấu giá hàng loạt khách hàng bỏ cọc vì không nộp tiền theo quy định.

Trong năm 2020, thành phố Bắc Giang cũng tổ chức nhiều đợt đấu giá đất và tình trạng khách hàng “bỏ chạy” sau khi trúng giá diễn ra phổ biến, số tiền cọc lên đến hàng tỉ đồng.

Cụ thể tại các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ có 6 lô bỏ cọc với số tiền trúng đấu giá hơn 10,6 tỉ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 5,6 tỉ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc là 600 triệu đồng.

Tại phường Dĩnh Kế, xã Đồng Sơn, xã Dĩnh Trì có 16 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 41,5 tỉ đồng, chênh so với giá khởi điểm khoảng 26,3 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,6 tỉ đồng.

Tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 phường Đa Mai và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh, xã Tân Mỹ có 18 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 43 tỉ đồng, chênh khoảng 25 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Số tiền bỏ đặt cọc 2,3 tỉ đồng.

Anh Bình, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, những cuộc đấu giá đất ở nhiều địa phương trở thành “sân chơi” của các nhóm đầu cơ, chuyên săn tìm cơ hội để sang tay kiếm lời chứ không có nhu cầu mua thật.

Chiêu trò phổ biến nhất của những nhóm người này là chấp nhận “hét” mức giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm để tạo sóng ảo lôi kéo người non kinh nghiệm, hoặc hám lời tham gia. Thật tế, đã có người đã trúng quả đậm chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng không ít người phải chấp nhận mất cọc khi không tìm được người mua trong thời gian quy định. Đặc biệt, trong những cơn sốt đất ảo giá đất bị đẩy lên cao chóng mặt trong vài tuần rồi nhanh chóng hạ nhiệt khiến tình trạng bỏ cọc diễn ra hàng loạt.

“Đây là cuộc chơi hai mặt. Những người tham gia biết trước khả năng sẽ mất cọc nhưng họ vẫn tham gia vì chỉ cần sang tay được một lần thì số tiền cọc bị mất chẳng thấm thía bao nhiêu so với con số mà họ có thể thu về”, anh Bình nói.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.