Sau khi tổ chức đấu giá 2 mặt bằng, số tiền trúng đấu giá hơn 53 tỷ đồng song chính quyền xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vẫn lo lắng khi "ngân sách ảo".

Mới đây, UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã có 2 quyết định về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu dân cư Đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh.

Khu dân cư Đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh., huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - mặt bằng đấu giá đầu tháng 4 vừa qua.

Theo đó, 8 khách hàng trúng đấu giá 46 lô đất tại Khu dân cư Đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân với tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 53 tỷ đồng.

Theo đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thọ Xuân, đến nay, số tiền đặt cọc của 46 lô đất của 2 mặt bằng đấu giá tại xã Xuân Sinh là hơn 2 tỷ đồng. So với trước đây, nguồn thu của Nhà nước qua đấu giá của 46 lô đất tại xã Xuân Sinh sẽ tăng 3 lần cho ngân sách huyện và xã.

Có 8 khách hàng trúng đấu giá 46 lô đất tại Khu dân cư Đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân với tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 53 tỷ đồng.

"Người dân kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư xem đất là hàng hóa, mua đi, bán lại để kiếm lời. Việc giá cao khiến người dân có nhu cầu đất ở thực sự rất khó mua", đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thọ Xuân chia sẻ.

Theo ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, trong các ngày 2/4 và 9/4, địa phương này tổ chức 2 đợt đấu giá tổng 46 lô đất tại Khu dân cư Đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh.

46 lô đất có hơn 1.300 hồ sơ tham gia đấu giá.

Trong đó, đợt đấu giá lần thứ nhất vào ngày 2/4 với 23 lô có tới hơn 1.000 hồ sơ của hơn 400 người tham gia đấu giá. Đợt đấu giá lần thứ 2 với 23 lô có hơn 300 hồ sơ của hơn 100 người tham gia đấu giá. Mặc dù 2 đợt đấu giá có hơn 1.300 hồ sơ tham gia, chỉ 8 người trúng đấu giá 46 lô đất. Đặc biệt, tất cả người trúng đấu giá đều ở xa đến.

Giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô nhưng được đấu lên mức từ 1 tỷ đồng đến hơn 1,4 tỷ đồng/lô.

Theo ông Dũng, đây là mặt bằng đấu giá của năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa tổ chức được nên chuyển qua năm 2021 để đấu giá.

Với nhiều người dân xã Xuân Sinh, trước đây đã có nhiều đợt đấu giá đất, nhưng có lẽ chưa bao giờ có đợt đấu giá đất nào lại thu hút nhiều người tham gia như vậy. Thậm chí, trước đây, vì quá ít người tham gia, chính quyền địa phương còn phải tạo thêm đơn ảo và chỉ bán bằng giá sàn.

Hàng dài ô tô đến tham gia đấu giá đất tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vào đầu tháng 4/2021.

Tuy nhiên, trong những ngày diễn ra các phiên đấu giá đất vừa qua, hàng trăm ô tô nối đuôi nhau trên con đường liên xã của địa phương này.

Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cũng thừa nhận, trước đây, tại địa phương cũng đã tổ chức nhiều đợt đấu giá đất nhưng chưa khi nào "nóng" như các đợt đấu giá đất đầu tháng 4 vừa qua.

"Theo giá đất xây dựng dựa trên quy định, chúng tôi xác định giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô 125m2. Trước đây đất cũng có tăng nhưng chưa bao giờ tăng như vậy. Người dân địa phương cũng có những người bỏ đến tiền tỷ nhưng vẫn không trúng", ông Dũng cho biết.

Lãnh đạo xã Xuân Sinh cũng không hiểu vì lý do gì mà giá đất tăng "chóng mặt" như vậy. Ông Dũng nhận định, có thể do xã Xuân Sinh nằm cạnh Cảng hàng không Thọ Xuân và Khu công nghiệp Công nghệ cao, một số dự án khác nên người mua đất và nhà đầu tư thấy địa bàn này tương lai sẽ phát triển. Hơn nữa, hệ thống giao thông của địa phương cũng thuận lợi.

Dù vừa tổ chức thành công đấu giá 2 mặt bằng 46 lô đất với số tiền trúng đấu giá lên đến hơn 53 tỷ đồng, nhưng ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh vẫn tỏ ra lo lắng.

"Có nhiều dự án lớn trong tương lai, có thể người ta đi tắt, đón đầu, cũng có thể mua ở đây để bán nơi khác, nhưng qua tìm hiểu thì xung quanh không có hiện tượng gom đất các mặt bằng lớn. Với giá đất tăng như vừa qua, chính quyền cũng bất ngờ", ông Dũng nhận định.

Theo ông Dũng, việc đấu giá đất là công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh trật tự và việc giá đất tăng có lợi cho ngân sách Nhà nước.

"Giá đất cao như thế thì đảm bảo tăng ngân sách địa phương để có nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng với những hộ có nhu cầu mua đất để san hộ, tách hộ thì rất khó khăn", ông Dũng chia sẻ thêm.

Theo quy định, ngân sách xã sẽ được hưởng 50% từ số tiền trúng đấu giá đất. Với số tiền đấu giá đất đợt này là hơn 53 tỷ đồng, ngân sách xã có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn tỏ ra lo lắng khi phải một thời gian sau khi đơn vị, cá nhân trúng đấu giá nộp tiền thì ngân sách mới có.

Nhiều thông tin bán đất gần khu vực mặt bằng dân cư vừa tổ chức đấu giá đất của xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân.

"Bước đầu thấy tín hiệu rất tốt, ngân sách có thể tăng lên cao. Tuy nhiên, sau này hệ lụy thế nào thì đến nay chưa nói được gì. Trước đây, khi đấu giá, người dân trúng xong chỉ một thời gian ngắn là họ đóng tiền đầy đủ. Còn hiện tại, ngân sách của việc đấu giá đất này vẫn đang là "ngân sách ảo", cứ phải chờ đợi. Đây là bài toán rất khó tính cho địa phương", ông Dũng băn khoăn.

Nếu có số tiền đấu giá đất lần này thì ngoài trả nợ đọng trong xây dựng cơ bản, địa phương sẽ có thêm kinh phí tập trung đầu tư làm kênh mương phục vụ phát triển kinh tế, làm được giao thông nông thôn… Tuy nhiên, tất cả cũng đang là dự định…

Trần Lê (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.