khi thực hiện giao dịch người dân nên kiểm tra bên bán và kiểm tra giấy sổ đỏ có sắc nét không
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương vừa tiếp nhận kết luận thanh tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ án để xem xét truy tố, liên quan vụ một cá nhân dùng sổ đỏ giả để vay vốn ngân hàng gây xôn xao dư luận Bình Dương hơn 2 năm nay.
Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Bình Dương, số tiền bà Thu và đồng phạm chiếm đoạt của 2 ngân hàng và cá nhân là hơn 80,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra kết luận bà Thu đã chủ động thuê người làm 32 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hợp đồng công chứng, xác nhận tình trạng bất động sản và các tài liệu khác để sử dụng vào việc thế chấp vay tiền của Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Bình Dương và Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Bình Dương - Chi nhánh Sở Sao.
Cách thức để vay tiền của bà Thu là làm giả sổ đỏ đứng tên vợ chồng mình hoặc lấy thông tin của con cháu, người hàng xóm đứng tên giùm. Sau đó, vợ chồng bà Thu vừa trực tiếp đứng ra vay vốn, vừa nhờ những người đứng tên trên sổ đỏ giả đứng ra vay vốn giúp với nhiều hồ sơ vay vốn khác nhau.
Khi các cán bộ ngân hàng tới xác minh tài sản thì những người đứng tên trên hồ sơ vay vốn đều không có mặt mà chỉ có bà Thu chỉ vào miếng đất ở gần nhà nói đó chính là miếng đất trên sổ đỏ, nhưng thực tế không phải.
Do có quen biết từ trước và sơ hở nên cán bộ ngân hàng tin tưởng lời bà Thu, đồng thời giao hồ sơ cho bà Thu tự đi đăng ký thế chấp sổ. Lợi dụng điều này, bà Thu đã nhờ người làm giả cả phần đăng ký thế chấp rồi giao lại sổ cho ngân hàng.
Trước vụ việc này, đã có không ít việc lừa đảo liên quan đến việc sử dụng sổ đỏ giả với những thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt được các văn phòng công chứng, dùng sổ đỏ giả để bán cho người dân. Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã có gần 300 vụ lừa đảo bị phát hiện liên quan đến việc sử dụng sổ đỏ giả.
Trao đổi với CafeLand, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện tượng này ngày càng nhiều, với kỹ thuật in ấn hiện đại và tinh vi nên bằng mắt thường rất khó để phát hiện thật giả.
Dù khi giấy chứng nhận này không phải của cơ quan nhà nước cấp thì giao dịch này sẽ bị tuyên bố vô hiệu nhưng trường hợp người giao dịch đó cố ý làm giả để chiếm đoạt tiền thì người dân rất khó để lấy lại tiền, ông Phượng nói.
Chính vì vậy, khi thực hiện giao dịch người dân nên kiểm tra bên bán và kiểm tra giấy sổ đỏ có sắc nét không. Đồng thời, kiểm tra các thông tin về nguồn gốc tài sản bằng cách hỏi thăm những người sống và làm việc xung quanh ngôi nhà dự định mua.
Bên cạnh đó, người mua nên liên hệ với chính chủ khi giao dịch qua ủy quyền, hoặc không chính chủ rao bán và việc đặt cọc nhất định phải qua công chứng để bên công chứng kiểm tra sổ thật, sổ giả vì ở phòng công chứng họ có cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu. Trong một số trường hợp, người mua có thể yêu cầu công chứng ở một nơi bất kỳ thay vì nơi do người bán lựa chọn cũng là cách để hạn chế rủi ro, Luật sư Phượng nói.