Không chỉ nơm nớp lo lắng núi sạt lở đe dọa đến tính mạng, người dân tái định cư Gò Hiu còn cực khổ sử dụng nguồn nước phèn mặn. Quá mệt mỏi, nhiều người đã bỏ làng ra đi.
Như ANTT đã phản ánh trong bài viết: "Canh cánh nỗi lo an cư vì suốt ngày chạy sạt lở" có nội dung nói về vấn nạn sạt lở do ngọn núi Gò Hiu san ủi khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân khu tái định cư Gò Hiu (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gặp vô vàn khó khăn. Theo đó, người dân nơi đây phải trong cảnh nơm nớp lo sợ đất đá sạt lở từ núi xuống nhà sau mỗi trận mưa.
Ông Trương Văn Tàu (SN 1965), trú xã Đại Lãnh cho biết, sau khi rời nơi ở cũ ông đến khu Gò Hiu với những mong cuộc sống yên ổn, tốt đẹp hơn. Tại đây, cũng như nhiều hộ dân khác, ông vay thêm tiền gộp vào số tiền nhà nước hỗ trợ để cất căn nhà mới khang trang. Đến nay, ông còn nợ 24 triệu đồng tiền vay để làm nhà. Nhà xây xong, ông mới hốt hoảng khi biết vùng đất này cũng đang đối diện với nguy cơ sạt lở.
"Ngọn núi sau khu tái định cử được san ủi một nửa nên hễ mưa gió là đất đai sạt xuống. Cứ đà này nó lấp luôn nhà lúc nào không hay", ông Tàu lo lắng.
Người dân Gò Hiu phản ánh nguồn nước giếng, nước khoan đều nhiễm phèn
Theo ghi nhận của PV, cuộc sống khu tái định cư Gò Hiu còn nhiều khó khăn. Người dân không đơn thuần chống chọi với nỗi lo sạt lở từ núi mà thực trạng nguồn nước không đảm bảo cũng khiến họ bất an.
Một người dân cho hay, ở đây nước giếng bị nhiễm phèn, không thể sử dụng được. Họ đã khoan thử nhiều vị trí nhưng đều vô ích. Muốn sử dụng nước để nấu cơm hay ăn uống người dân phải mua nước bình đóng sẵn rất tốn kém.
"Vợ tôi mới phẫu thuật xong hồi tuần trước nhưng không dám cho ở đây vì nước sinh hoạt bị đục, đóng phèn có thể làm vết thương bị nhiễm trùng. Lo quá, tôi chở vợ con về bên ngoại ở”, một người dân nói.
Lo lắng về những nguy hiểm chực chờ và tiềm ẩn, không ít người dân được bố trí tái định cư đã chấp nhận từ bỏ làng ra đi. Từ một khu vực được kỳ vọng trở thành khu dân cư sầm uất, Gò Hiu giờ chỉ còn lại vài ba hộ, vắng vẻ, hiu hắt như chính cái tên của nó.
Chỉ tay về dãy nhà bỏ hoang, một người dân lắc đầu nói, thực ra tên Gò Hiu là địa danh lâu nay nên người địa phương gắn luôn cho vùng tái định cư chứ thực tình họ chẳng biết tên địa danh hành chính là gì.
"Tôi vẫn lấy địa chỉ cũ lúc chưa dời đi chứ ở khu này chẳng biết thôn xã, làng nào. Khi có sự cố gì cần sự trợ giúp của chính quyền cũng không mấy dễ dàng. Tình trạng an ninh tại đây rất phức tạp. Do khu này ít người ở nên các con nghiện hay lên đây sử dụng ma tuý. Những lúc như thế chúng tôi chỉ biết nhìn thôi chứ không biết báo ai. Tội nhất là trẻ nhỏ, đi học thêm ban đêm về phải đứng đợi ở ngoài đường lớn để ba mẹ ra dẫn vào vì không dám đi một mình, vì đường vắng, tối và nhiều đối tượng nghiện", người dân này nói.
Cạnh dãy nhà bỏ hoang ấy là con đường lớn với hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư hiện đại, khang trang khiến nhiều người không khỏi xót xa vì sự lãng phí này.
Không những vậy, theo lời một số người dân, đến khu ở mới họ chẳng có đất đai canh tác, trồng trọt. Dường như, đây cũng là nguyên nhân chính nhất khiến người dân rời bỏ mảnh đất này về lại nơi cũ.
Người dân bỏ khu tái định ra đi để lại những căn nhà hoang, vắng vẻ gây hoang phí
"Nơi ở cũ cũng sạt lở vì sông Vu Gia, nơi ở mới sạt lở vì núi đồi, dân chúng tôi tiến thoái lưỡng nan. Để chăn nuôi, người dân phải về nơi ở cũ cách 3km. Tuy nhiên, nếu như thế thì người một nơi và vật nuôi một nơi rất khó quản lý, dễ bị mất trộm. Nhiều người đành ngậm ngùi quay về nơi cũ. Mong sao các cấp chính quyền giúp đỡ người dân", ông Tàu bày tỏ.
Mang những tâm tư của người dân lên gặp chính quyền sở tại, chúng tôi được ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho hay, Gò Hiu là khu tái định cư của tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương nhằm di dời cho những hộ dân bị sạt lở ở ven sông Vu Gia (huyện Đại Lộc). Sau khi đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống điện đường, hạ tầng hoàn thành, khu tái định này đón trước 34 nền nhà để đưa những hộ dân bị sạt lở vào.
"Những phản ảnh của người dân xã cũng đã biết và cũng đã kiểm tra và sẽ có ý kiến lên cấp trên. Phản ánh của người dân về điều kiện sinh sống tại đây như nước giếng bị ô nhiễm không dùng được là đúng, nhiều chỉ số như độ đục là không đạt", ông Yến nói.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng cho biết, giải pháp trước mắt là sẽ nạo vét toàn bộ khối đất đá tràn xuống nhà dân, sau đó là san bằng khối núi Gò Hiu nhằm chấm dứt vấn nạn này.
“Chúng tôi đã kiến nghị gửi tỉnh Quảng Nam về vấn đề này. Về mối bận tâm nước sạch của người dân, huyện đang đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng các bể lọc nước ở Gò Hiu. Tuy nhiên, để triển khai việc này, trước hết cần vận động tất cả các hộ thuộc diện di dời phải lên lại khu Gò Hiu", ông Mẫn khẳng định.
Nhâm Thân (ANTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.