Việc tự do hóa lãi suất huy động bất chấp những điều kiện chưa chín muồi có thể phát sinh hệ quả bất lợi khó lượng định.

Sức hấp dẫn của lãi suất mới do cạnh tranh giữa các ngân hàng có thể làm gia tăng các hoạt động rút vốn của người gửi từ ngân hàng có lãi suất thấp để gửi vào ngân hàng có lãi suất cao
Hệ quả đầu tiên là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu vốn và dịch chuyển nguồn vốn bất thường của các ngân hàng, gây xáo trộn kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng.

Những hệ quả khó lường

Về cả lý thuyết và thực tiễn, thông thường người gửi tiền không phân biệt và cũng chẳng quan tâm lãi suất cơ bản với trần lãi suất, thậm chí họ cũng mơ hồ về các hoạt động, tính thanh khoản và trạng thái lành mạnh cụ thể của các ngân hàng. Đối với đa số đám đông, ai huy động lãi suất cao thì gửi, thậm chí không cần biết tư cách pháp nhân và mục tiêu huy động vốn của người huy động. Rất nhiều ví dụ và bài học đắt giá cho điều này qua những vụ vỡ hụi và huy động vốn đa cấp khác trong và ngoài nước. Trước sự hấp dẫn của lãi suất mới do cạnh tranh giữa các ngân hàng khi thực hiện tự do hóa lãi suất huy động, có thể làm gia tăng các hoạt động rút vốn của người gửi từ các ngân hàng có lãi suất thấp để gửi vào các ngân hàng có lãi suất cao, nhằm hưởng lợi ích cao hơn. Điều này là chính đáng và dễ hiểu, nhưng nếu kiểm soát không tốt lại có thể tạo những làn sóng rút tiền và gửi tiền theo tâm lý đám đông, tạo vòng xoáy xáo trộn luồng vốn, cơ cấu vốn và các kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng, cũng như của vốn đầu tư xã hội. Nếu một số ngân hàng nào đó không chịu nổi áp lực rút vốn bất thường sẽ buộc phải tăng lãi suất huy động, hoặc chịu áp lực thanh khoản cao, thậm chí có thể phá sản cục bộ hoặc giải thể.

Bên cạnh đó, có thể gia tăng các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo và vỡ nợ tín dụng dây chuyền mang tính xã hội

Mất cân đối cung - cầu

VN đang trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức ngân hàng theo chuẩn hoá nhằm bảo đảm sự lành mạnh và sức cạnh tranh, sự ổn định vĩ mô của thị trường tài chính trong nước. Hiện còn một số ngân hàng nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Nhà nước, hoặc gặp khó khăn chưa xử lý triệt để về thanh khoản, nhưng lại không muốn giải thể, sáp nhập hoặc cổ phần hoá theo yêu cầu... Do vậy, việc tự do hóa lãi suất huy động có thể, trong thời gian đầu, làm gia tăng ít nhiều một số hoạt động huy động vốn với lãi suất cao (kể cả sự gia tăng luồng vốn gián tiếp nước ngoài rẻ đổ vào VN với những hệ luỵ có thể, gây sốc vốn và thanh khoản cho các ngân hàng như khi rút vốn đột ngột) và có thể cả các hành vi tìm cách lách luật hoặc vi phạm luật để: hoặc sử dụng nguồn vốn huy động bổ sung vào vốn điều lệ; hoặc tiến hành các hoạt động kinh doanh mạo hiểm do sức ép phải cho vay lại với lãi cao; hoặc tạo hiện tượng lòng vòng vốn xã hội, kiểu “mua rẻ bán đắt- ăn chênh lệch lãi suất”, coi nhẹ mục tiêu tín dụng lành mạnh đối với xã hội và quản lý nhà nước cho các ưu tiên phát triển kinh tế và tái cơ cấu.

Điều này cũng có nghĩa là trực tiếp và gián tiếp tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí cấu thành các tội phạm và hành vi lừa đảo và vỡ nợ tín dụng dây chuyền mang tính xã hội, làm tăng tính rủi ro và nhạy cảm, sự mất ổn định của hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô trong nước.

Ngoài ra, tự do nâng lãi suất huy động quá mức sẽ làm gia tăng lạm phát do các chi phí vốn tăng sẽ được DN chuyển trả vào chi phí giá thành sản xuất và tăng giá bán ra; cũng như có thể gây thu hẹp sản xuất, làm tăng mất cân đối cung-cầu hàng hóa - dich vụ trên thị trường.

Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, mặt trái của cuộc đua lãi suất huy động là rất lớn, không chỉ có thể làm tăng chi phí đầu vào, giảm quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, mà thể gây ra một số mất ổn định chung trong hệ thống ngân hàng và đời sống kinh tế - xã hội.

Giải pháp ngắn hạn

Để sớm thực hiện và góp phần kiềm toả những mặt trái, phát huy những tác động tích cực của việc tự do hóa lãi suất huy động, cần chú ý những điểm sau:

Một mặt, trước mắt, thực hiện điều chỉnh ngay và thường xuyên hơn việc nới lỏng và mềm hoá biên độ trần lãi suất huy động phù hợp cung - cầu thị trường và bảo đảm tính thanh khoản trong hoạt động của các ngân hàng.

Mặt khác, đẩy nhanh nghiêm túc các hoạt động chuẩn hoá và lành mạnh hoá các ngân hàng cả về tài chính và cơ chế quản trị theo kế hoạch tái cơ cấu và yêu cầu chung, sáp nhập các ngân hàng không đủ vốn điều lệ theo pháp định và kiên quyết loại bỏ các cá thể yếu;...

Tự do nâng lãi suất huy động quá mức sẽ làm gia tăng lạm phát do các chi phí vốn tăng sẽ được DN chuyển trả vào chi phí giá thành sản xuất và tăng giá bán ra.

Đồng thời, cần nhanh chóng chuẩn hoá và thống nhất hoá cơ sở pháp lý liên quan đến các hoạt động ngân hàng, nhất là các quy định giữa Luật Ngân hàng và Dân sự có liên quan về vay và cho vay... Ngoài ra, cần tăng cường và hoàn thiện hơn các công cụ quản lý khác, như mức vốn điều lệ, hạn mức tín dụng, mức dự trữ, tỷ lệ nợ quá hạn, cơ cấu huy động và cho vay, các nghiệp vụ thị trường mở; cơ cấu và thời gian mua tín phiếu; giải quyết cho ngân hàng nhỏ có khả năng tiếp cận vốn trên thị trường tái cấp vốn; giãn biên độ tỷ giá và nâng lãi suất tín phiếu lên.
Bản thân các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ mới thành lập, lâu nay chỉ chú ý đến mặt kinh doanh, cũng cần chủ động dự báo tình hình thị trường, phân tích được những tín hiệu về chính sách chống lạm phát và chuẩn bị trước, thực hiện dự phòng rủi ro tốt, kiểm soát tín dụng hợp lý, tránh coi nhẹ an toàn và quản trị kinh doanh, tối đa hóa quay vòng vốn, hoặc chủ quan, ỷ vào NHNN, thị trường mở...
Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland