Theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một số các giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể:
- Từ ngày 01/10/2018, không cho phép nhập khẩu phế liệu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.
- Không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu.
- Không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu.
- Không cho phép hoạt động đối với các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường
- Không cho phép nhập khẩu các loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, những loại phế liệu trong nước đang sẵn có nguồn nguyên liệu, phế liệu.
- Thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.
- Áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.
- Kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Chủ tàu, chủ hãng vận tải biển phải chịu trách nhiệm đối với lô hàng phế liệu đang vận chuyển của tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.
- Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu và chủ hàng không xuất trình được Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
- Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Được biết, thời gian gần đây, lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 Viêt Nam nhập khẩu hơn 4,8 triệu tấn sắt, thép, nhựa, giấy phế liệu. Năm 2017 con số nhập khẩu phế liệu của các loại này đạt hơn 6,5 triệu tấn. Còn riêng 6 tháng đầu năm 2018, lượng sắt, thép, nhựa, giấy phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 4 triệu tấn.
Lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu. Hoạt động nhập khẩu phế liệu tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tại cảng Cát Lái (TP.HCM) tính đến ngày 25/7 còn tồn đọng 3.579 container phế liệu, tại cảng Hải Phòng là 1.485 container,…
-
Cảnh báo tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam
CafeLand - Năm 2016, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu là 2,7 triệu tấn thì năm 2017 là 5,2 triệu tấn; giấy phế liệu từ 338 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn; nhựa phế liệu từ 18 nghìn tấn lên 90 nghìn tấn. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu đã tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với với cả năm 2017.