19/01/2021 8:14 AM
Với lượng rác thải sinh hoạt thu gom hàng ngày từ 450 đến 500 tấn, việc xử lý rác tại TT-Huế hiện trở nên quá tải. Trong khi, một khu xử lý rác sinh hoạt có trị giá đầu tư hơn 3,4 triệu USD ở tỉnh này lại “chết yểu” từ 3 năm nay.

Khu xử lý chất thải rắn “triệu đô” tại Lộc Thủy (TT-Huế) “đắp chiếu” từ hơn 3 năm nay

Do người dân kịch liệt phản đối

Hơn 10 năm về trước, Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy do Dự án Cải thiện Môi trường đô thị miền Trung đầu tư tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, TT-Huế) được triển khai xây dựng trên diện tích mặt bằng rộng gần 27 ha. Theo thiết kế, công trình bảo đảm xử lý rác sinh hoạt cho Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và tất cả 18 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc, công suất 150 tấn mỗi ngày, trong thời gian 20 năm.

Sau khi giao cho Công ty Môi trường & Công trình Đô thị Huế tiếp nhận, vận hành vào năm 2012, đến năm 2017, do bị người dân kịch liệt phản ứng vì mùi hôi và các tác động tiêu cực liên quan việc chôn lấp rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt thường nhật của bà con, khu xử lý rác thải “triệu đô” xã Lộc Thủy phải buộc dừng hoạt động và “trùm mền” gây lãng phí về đầu tư kể từ đó đến nay. Trong khi, lượng rác thải sinh hoạt tại TT-Huế cần xử lý hiện rất lớn, từ 450 đến 500 tấn mỗi ngày. Còn các cơ sở xử lý rác thải ở phường Thủy Phương và xã Phú Sơn rơi vào tình trạng quá tải, hoặc chưa hoàn thiện xây dựng.

Điều đáng nói, sau khi Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy bất đắc dĩ phải đóng cửa do dân phản đối, chặn xe chở rác vào nhà máy, vào tháng 11/2017, UBND tỉnh TT-Huế đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư xây lắp hệ thống lò đốt rác công suất dự kiến 1 tấn/giờ (24 tấn/ngày), thời hạn thực hiện 2 năm, để thay thế việc xử lý rác bằng chôn lấp cũng tại khu nhà máy cũ.

Năm 2019, khi trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cho biết, về mặt kỹ thuật, lò đốt tuân thủ Quy chuẩn QCVN61, khí thải ra môi trường đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam; đặc biệt loại bỏ khí độc dioxin và furan. Việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại Lộc Thủy được nghiên cứu, đưa vào quy hoạch trên cơ sở những phân tích khoa học về nhiều vấn đề như đặc điểm môi trường, phương án thu gom, phương án tài chính khi đầu tư, vận hành… để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở triển khai.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 2 năm, công trình này chỉ tồn tại trên giấy. Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy hiện trong tình trạng “kín cổng cao tường”, cơ sở vật chất xuống cấp, hoang tàn, cây dại mọc tràn lan bao phủ kín cả vùng dự án “triệu đô” trước đây.

Sẽ khởi động lại

Mới đây, khi đề cập về Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy “trùm mền” nhiều năm, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cho biết, sau phản ứng của người dân từ hơn 3 năm trước, nhiều hộ gia đình sinh sống cách nhà máy rác 300 mét đã được di dời. Theo ông Thọ, nếu có điều kiện kinh phí, tỉnh sẽ di dời dân ở cự ly rộng hơn, với khoảng cách 500 mét so với nhà máy và đầu tư nâng quy mô công suất xử lý rác thải theo công nghệ đốt tại Lộc Thủy. Việc mở cửa khu xử lý sẽ sớm được triển khai trở lại. “Thời gian tới, tỉnh sẽ khởi động lại Nhà máy rác Lộc Thủy, nhưng vì điều kiện đầu tư nên quy mô nhỏ hơn, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân và môi trường”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải lần đầu Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy rơi vào cảnh “trùm mền” dài ngày. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, dự án “triệu đô” này sau khi hoàn thành xây dựng từng không thể hoạt động thời gian dài do thiếu… nguyên liệu, giữa lúc nhiều địa phương lân cận lại quá tải về xử lý rác thải sinh hoạt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải lần đầu Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy rơi vào cảnh “trùm mền” dài ngày. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, dự án “triệu đô” này sau khi hoàn thành xây dựng từng không thể hoạt động thời gian dài do thiếu… nguyên liệu, giữa lúc nhiều địa phương lân cận lại quá tải về xử lý rác thải sinh hoạt.
Ngọc Văn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.