Trụ sở Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn Bắc miền Trung ở xã Phú Thượng (huyện Phú Vang, TT - Huế) được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Mục đích, hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức hội nghị, hội thảo, kết hợp làm dịch vụ lưu trú… Tuy nhiên, từ khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy hiệu quả, thường xuyên đóng cửa và có dấu hiệu xuống cấp.
Ngói ở khu nhà hành chính bị hỏng đã lâu vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa.
Có dấu hiệu xuống cấp
Năm 2000, Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn Bắc miền Trung thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khởi công xây dựng khối nhà hành chính 12 phòng. Năm 2015, đơn vị đã tiếp tục hoàn thiện đưa vào sử dụng khối nhà dịch vụ phía sau có quy mô 5 tầng, gồm 50 phòng khách, hai hội trường, một khu nhà ăn. Kinh phí đầu tư cả 2 khối nhà khoảng 25 tỷ đồng.
Có mặt ở chi nhánh Trung tâm, phía cổng vào là một bãi tập kết cây cảnh, xung quanh hệ thống tường rào phủ đầy cây dại ngập cả đầu người. Phần sân ngổn ngang những ụ đất, thân cây khô, chậu xi măng vỡ, do người dân mượn mặt bằng để trồng cúc, nhưng do làm ăn thất bát nên đã chuyển đi nơi khác. Ở cửa chính vào khu nhà dịch vụ bị khóa kín bằng dây xích sắt to. Quan sát một số hạng mục như tường, trụ ốp, nền gạch men có dấu hiệu xuống cấp, nứt nẻ, bong tróc. Ở Khu nhà hành chính cũng xuất hiện nhiều vết nứt phần móng, tường, trụ. Một phần mái ngói ở phía Đông đã bị sụt từ lâu vẫn chưa được sửa chữa. Phần diện tích mặt bằng rộng lớn phía sau tòa nhà này bị bỏ hoang, phủ đầy cỏ dại và cây mai dương. Cả khu chi nhánh trung tâm luôn chìm trong im lặng, vắng bóng người tới lui.
Ông Trương Văn Thủy - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Nông thôn Bắc miền Trung cho biết, để tạo thuận lợi cho nông dân miền Trung đến Huế tham quan, học tập kinh nghiệm Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đầu tư khu nhà hành chính với 12 phòng và dãy nhà 5 tầng, trong đó được thiết kế tầng 1 làm hội trường, bếp, phòng ăn; từ tầng 2 đến tầng 4, với 50 phòng nghỉ; tầng 5 là hội trường lớn. Các phòng đều được trang bị bàn ghế, máy điều hòa, giường nệm... Mục đích của công trình khi đưa vào sử dụng để hỗ trợ nông dân kiến thức phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến tiêu thụ nông sản, kết hợp làm dịch vụ lưu trú cho các đoàn nông dân đến Huế tham quan, học tập kinh nghiệm.
Lãng phí
Ông Trương Văn Thủy cho biết, từ khi được giao quản lý đến nay đã 3 năm, các đợt tập huấn chủ yếu dành cho nông dân tỉnh TT-Huế, thỉnh thoảng mới có vài đợt của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị về đây tổ chức. Riêng 3 tỉnh Bắc miền Trung còn lại là Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa chưa một lần vào đây tập huấn, dù chi nhánh hỗ trợ nông dân cho cả khu vực. Riêng một số phòng khách của khối nhà mới kể từ khi xây xong đến nay vẫn chưa một lần đưa vào sử dụng. Mỗi năm, chi nhánh chỉ đón từ 5 - 7 đoàn khách đến dự tập huấn, hội thảo. Trung tâm ở vị trí xa thành phố, các loại hình dịch vụ, quán xá, tham quan, mua sắm xung quanh chưa phát triển, nên nhiều đoàn khách tỉnh khác khi được giới thiệu về đây lưu trú đã vội vã bỏ đi, dù giá thuê phòng hết sức “mềm”. Thậm chí, trong những kỳ tuyển sinh đại học, chi nhánh cho giới thiệu điểm thuê trọ dành cho thí sinh ngay tại các bến xe, bến tàu với giá rẻ, nhưng chẳng có ai chịu tìm đến.
Một số nông dân xã Phú Thượng cho biết, chi nhánh trung tâm mang tiếng hỗ trợ nông dân đâu chả thấy, mà nhiều diện tích đất ruộng màu mỡ của dân thì chả còn để cày cấy. Hồi đó, đất ruộng bị thu hồi để xây trung tâm chỉ được đền bù hơn 1.000đ/m2, chưa đủ để mua một ổ bánh mì. Giờ trung tâm xây xong, chả thấy làm gì, nhiều diện tích ruộng bị san lấp đang để cho cỏ dại mọc kín, thật quá lãng phí.
Ông Trương Văn Thủy cho biết thêm, khi mới chuyển công tác về chưa có bảo vệ, nên hàng đêm tôi vẫn phải về ngủ để trông coi chi nhánh. Bộ máy nhân sự gồm cấp phó, trưởng phó các phòng, ban chức năng và cán bộ, nhân viên chi nhánh trung tâm đều khuyết. Nguồn thu không có, nên nên tạm thời cho kế toán nghỉ việc. Tình hình này, sắp tới, chắc tôi cũng cho hai bảo vệ nghỉ luôn, vì không có tiền trả lương. Những khó khăn của Chi nhánh trung tâm tôi cũng đã phản ánh tình hình hoạt động, khó khăn của chi nhánh, nhưng phía Trung tâm cho rằng, cần tiếp tục đầu tư thêm một số hạng mục để đón đầu trong tương lai.
Trao đổi với ông Nguyễn Tấn Lý - Phó bí thư Đảng ủy xã Phú Thượng cho biết, để cải tạo mặt bằng xây dựng Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn Bắc miền Trung, nông dân địa phương từng bị thu hồi khoảng 5ha đất ruộng lúa màu mỡ. Từ ngày chi nhánh trung tâm ra đời, nông dân trong vùng chưa một lần được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức làm ăn.
Trí Đức (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.