21/10/2019 10:37 AM
Một người dân ở TP.Huế phán ảnh cơ quan thi hành án làm trái luật và có dấu hiệu tiêu cực trong vụ án ông này là bị đơn.

Tranh chấp kéo dài

Ngày 8/12/2016, TAND TP.Huế xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng lô điểm kinh doanh mặt tiền lô B’ chợ Đông Ba giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Phú (SN 1973, trú 2/37 Trần Nhân Tông, phường Tây Lộc, TP.Huế) và bị đơn là ông Nguyễn Phương Thịnh (SN 1976, trú 2 Phùng Hưng, phường Thuận Thành, TP.Huế).

Đây được coi là "vị trí vàng" phục vụ kinh doanh ở khu vực chợ Đông Ba.

Trong đơn khởi kiện của mình, ông Phú yêu cầu ông Thịnh phải trả lại cho ông Phú điểm kinh doanh lô mặt tiền B’ chợ Đông Ba, diện tích 3,90m2, tọa lạc tại số 2 đường Trần Hưng Đạo, TP.Huế. Theo ông Phú, nguồn gốc lô B’ là do mẹ ruột của ông là bà Trần Thị Phương Anh chuyển nhượng cho ông vào năm 2005. Sau khi được chuyển nhượng, ông Phú cho ông Thịnh mượn để kinh doanh nhưng khi hết thời hạn cho mượn ông Thịnh không trả.

Lô điểm kinh doanh mặt tiền lô B’ chợ Đông Ba,TP.Huế.

Trong khi đó, ông Thịnh cho rằng, nguồn gốc lô B’ là do bà Anh và ông Thịnh mua lại 2 lô đấu giá của công ty xổ số tại chợ Đông Ba vào năm 2003, gồm 1 lô tại nhà C do ông Thịnh đứng tên để làm nhà kho và lô mặt tiền B’ do bà Anh đứng tên để kinh doanh. Đến ngày 5/4/2005, giữa bà Anh và ông Thịnh có đổi lô cho nhau, bà Anh sử dụng lô C, ông Thịnh sử dụng lô B’. Trên cơ sở đó, ông Thịnh không đồng ý trả lại lô B’ cho ông Phú, đồng thời có đơn gửi công an tố cáo ông Phú giả mạo chữ ký và chữ viết của bà Anh nhằm chiếm đoạt lô B’.

Tại phiên tòa ngày 8/12/2016, Hội đồng xét xử TAND TP.Huế chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phú, buộc ông Thịnh trả lại điểm kinh doanh lô B’ cho ông Phú. Không đồng tình với phán quyết của tòa, ông Thịnh kháng cáo. Nhưng tại bản án số 18/2017/DS-PT ngày 26/7/2017, TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế không chấp nhận kháng cáo của ông Thịnh.

Ngày 7/5/2018, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị số 56/2018 QĐKHGĐT –VKS-DS kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 18/2017/DS-PT của TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Quyết định này đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP. Huế xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thể hiện lô kinh doanh B’ là của bà Anh, nhưng thực tế ông Thịnh đã kinh doanh từ năm 2003. Đến ngày 15/4/2005, ông Thịnh và bà Anh có văn bản thỏa thuận xin đổi lô kinh doanh cho nhau, nhưng ông Thịnh không làm các thủ tục điều chỉnh địa điểm kinh doanh theo đúng quy định. Còn đơn xin chuyển quyền sử dụng lô hàng giữa bà Anh và ông Phú ngày 13/7/2005 là sau thời điểm bà Anh đã ký văn bản thỏa thuận xin đổi lô kinh doanh với ông Thịnh.

Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định, tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ nội dung này, chưa lấy lời khai của anh chị em trong gia đình ông Phú và ông Thịnh để xác định ông Phú có cho ông Thịnh mượn lô B’ từ năm 2005 như lời khia của ông Phú hay không. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm cũng chưa làm rõ Ban quản lý chợ Đông Ba khi thu tiền thuê địa điểm kinh doanh hàng năm của ông Thịnh có yêu cầu ông Thịnh ký nộp tiền không, ông Thịnh đứng nộp tiền đứng tên ông Thịnh hay nộp thay ông Phú. Ngoài ra, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng chưa xem xét tính hợp pháp của đơn xin chuyển quyền sử dụng lô hàng của bà Anh cho ông Phú.

Ngoài ra, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng, quá trình giải quyết vụ án ông Thịnh cho biết ông Phú đã giả chữ ký của bà Anh tại đơn xin chuyển quyền sử dụng lô hàng và đề nghị giám định chữ ký của bà Anh. Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định trưng cầu giám định số 620/2018/QĐ-VKS-DS ngày 12/3/2018 yêu cầu giám định chữ ký của bà Anh. Kết luận giám định số 38/GĐ-TL ngày 9/4/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP. Đà Nẵng kết luận chữ ký của bà Anh tại đơn xin chuyển quyền sử dụng lô hàng cho ông Phú so với tài liệu yêu cầu giám định không phải do một người ký ra.

Quyết định kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm.

Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ nhưng đã xét xử yêu cầu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Thịnh.

Tuy nhiên, sau đó, quyết định giám đốc thẩm số 04/2018/DS-GĐT ngày 4/12/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, giữ nguyên bản án tòa phúc thẩm.

Ông Thịnh tiếp tục không đồng tình với phán quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng nên đã gửi đơn đến Viện KSND tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 04/2018/DS-GĐT ngày 4/12/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Mới đây, Viện KSND tối cao đã có văn bản trả lời nội dung đề nghị của ông Thịnh.

Theo Viện KSND tối cao, vào ngày 12/8/2019, cơ quan này có Công văn số 264/YC-VKS-DS yêu cầu TAND cấp cao tại Đà Nẵng chuyển hồ sơ vụ án để giải quyết. Ngày 22/8/2019 TAND cấp cao tại Đà Nẵng có Công văn số 3239/CV- DS thông bảo hồ sơ vụ án trên đã được chuyển đến Vụ Giám đốc kiểm tra II TAND tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Cơ quan thi hành án bị tố làm trái luật

Trong đơn gửi đến Dân Việt, ông Thịnh phản ánh rằng cơ quan thi hành án đã làm không đúng pháp luật khi thực hiện thi hành án vụ án dân sự này. Cụ thể, theo ông Thịnh, ngày 6/8/2018, ông làm đơn xin tạm hoãn thi hành án theo quyết định thi hành án số 18/QĐ-CCTHADS của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Huế với lý do ông bị bệnh nặng đang nằm điều trị tại bệnh viện.

Ngày 7/8/2019, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Huế có công văn 1546/CCTHADS không chấp nhận đơn xin tạm hoãn thi hành án của ông. Văn bản thông báo của cơ quan này được gửi cho ông Thịnh ngoài giờ hành chính, cụ thể là khoảng 19h tối.

Ông Thịnh cũng phản ánh việc hiện cơ quan thi hành án đã lấy lô B’, đập phá tất cả tài sản của ông khi chưa giải quyết đền bù theo quy định và ông Phú đã dùng lô B’ để cho thuê khi đang tranh chấp. Tài sản của ông gắn liền với lô B’ gồm nhiều thứ có giá trị, nhưng ông không được bồi thường khoản tiền nào.

Viện KSND tối cao trả lời nội dung đề nghị của ông Thịnh.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Huế cho biết, ông Thịnh đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan này để khiếu nại các vấn đề liên quan đến thi hành án.

Về việc ông Thịnh không được bồi thường tài sản gắn liền với lô B’, ông Nam cho biết khi cơ quan thi hành án đề nghị tòa giải thích về nội dung này thì tòa trả lời rằng do ông Thịnh không yêu cầu nên tòa không giải quyết. Theo ông Nam, ông Thịnh đã đòi bồi thường 100 triệu đồng tài sản gắn liền với lô B’ và để giải quyết việc tranh chấp này ông Thịnh phải khởi kiện tại tòa án.

Về việc ông Thịnh xin hoãn thi hành án do nằm viện nhưng không được chấp nhận, ông Nam nói, trong vụ việc này ông Thịnh nằm viện có thể ủy quyền cho người khác bàn giao lô B’. Mặt khác, ông Nam cho rằng, mặc dù ông Thịnh có hồ sơ nằm viện nhưng khi lực lượng thi hành án trực tiếp đến bệnh viện xác minh thì ông Thịnh không có mặt tại bệnh viện.

Việc ông Thịnh tố lực lượng thi hành án gửi văn bản thông báo ngoài giờ hành chính được ông Nam giải thích là việc gửi văn bản này là để ông Thịnh biết và chấp hành việc cưỡng chế.

Theo luật sư Bảo Cường (TP.Huế), trong vụ án này có rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ nhưng tòa án vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Thịnh.

Luật sư Cường cũng cho biết, tại Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC đã quy định rằng người phải thi hành nghĩa vụ trả đất nhưng trên đất có bất động sản được xây dựng hợp lệ trước khi có bản án, quyết định của tòa án trong bản án và quyết định đó không đề cập đến việc xử ý bất động sản, khiến cơ quan thi hành án không thể thực hiện việc giao đất đúng theo nội dung bản án, quyết định của tòa án. Trong trường hợp này cơ quan thi hành án phải có văn bản kiến nghị viện kiểm sát, tòa án có thẩm quyền thực hiện việc kháng nghị để khắc phục những thiếu sót trong bản án, quyết định của tòa án.

Trên cơ sở đó, luật sư Bảo Cường cho rằng, lẽ ra trước khi thực hiện cưỡng chế cơ quan thi hành án phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục những thiếu sót trong bản án giải quyết tranh chấp giữa ông Phú và ông Thịnh.

An Sơn - Đăng Nguyên (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.