09/12/2015 8:57 AM
Dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, TT - Huế) mới xây dựng được bộ khung rồi “đắp chiếu” nhiều năm. Công trình “án binh bất động” khiến hàng chục chủ cơ sở cung cấp vật liệu, thợ xây dựng, người làm công trên địa bàn bị đơn vị nợ tiền lên hàng tỷ đồng để người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ đầu tư nợ tiền người dân rồi rút khỏi dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế khiến người dân khốn khổ.
Dự án bất động
Dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế kết hợp với khu đô thị cao cấp Cồn Sơn, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang được UBND tỉnh TT - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (Vinconstec) làm chủ đầu tư vào năm 2008. Dự án được xây dựng trên diện tích 72ha, với khu biệt thự, nghỉ dưỡng, khu dịch vụ, vui chơi giải trí, cụm công trình khách sạn và căn hộ cao cấp, các trục đường giao thông; khu tái định cư, công viên cây xanh… với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã gặp một số vướng mắc nên đã có đơn trình Sở KH&ĐT tỉnh xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 1 vào ngày 29/6/2012.
Nhiều năm nay, có mặt tại khu dự án Vinconstec - Huế, chúng tôi không khỏi đau lòng, chứng kiến cảnh các công trình, biệt thự bị bỏ hoang, hố móng trụ, cọc sắt bị hoen gỉ, một số kết cấu bê tông cốt thép đang thi công dang dở chưa được tô trét có dấu hiệu xuống cấp... cỏ dại mọc um tùm. Ngoài một số hạng mục xuống cấp gây lãng phí lớn đến nguồn vốn đầu tư, những hộ dân nằm trong vùng dự án ở xã Phú Thuận phải chịu nhiều khó khăn, thấp thỏm chờ đền bù.
Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế khởi công đã lâu, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, đền bù cho 64 hộ dân ở thôn Hòa Duân. Ngoài ra, 3ha mặt nước nuôi trồng thủy sản của 7 hộ dân trên phá Tam Giang bị thu hồi cũng chưa được bồi thường, khu tái định cư vẫn chưa được đầu tư. Chủ đầu tư đã ngừng thi công suốt thời gian dài nhiều công trình kiến trúc mẫu ở các ngôi biệt thự ven biển và ven phá dần xuống cấp dù chưa hoàn thiện.
Dân ôm nợ
Khi dự án khởi công, nhiều cơ sở cung ứng vật liệu xây dựng, chủ thầu xây dựng và nhiều thợ xây ở địa phương được Vinconstec - Huế ký hợp đồng phục vụ thi công công trình. Nhiều người dân ở quanh dự án rất vui mừng sẽ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Dự án mới triển khai được một thời gian ngắn, hình thành được bộ 8 bộ khung căn hộ cao cấp, chủ đầu tư tháo chạy, công trình bắt đầu “án binh bất động”. Lúc này, hàng chục người dân bị nợ tiền công, tiền vật liệu xây dựng… khiến người dân rơi vào cảnh khốn khổ, không biết phải đòi ở đâu, bằng cách nào.
Ông Trần Văn Duế - thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận cho biết, khi dự án Vinconstec - Huế triển khai chủ đầu tư ký hợp đồng thuế cung ứng cát san lấp mặt bằng khu căn hộ cao cấp. Đến nay, đã gần 4 năm, chủ đầu tư còn nợ gần 40 triệu đồng tìm đến dự án chẳng có người của chủ đầu tư ở lại, gọi điện ra Cty nhưng không ai nghe máy. Hộ bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận còn bi đát hơn, khi chủ đầu tư dự án Vinconstec - Huế đến đặt vấn đề mua vật liệu xây dựng để triển khai công trình. Do đại lý nhỏ lẻ, nên gia đình đã vay mượn thêm tiền để mua thêm vật liệu đáp ứng cho dự án, đến nay vẫn còn nợ lại gia đình 46 triệu đồng. Bà Dương Thị Vui, ở thôn Hòa Duân cũng lâm vào cảnh tương tự, cung cấp dịch vụ giàn giáo và thi công cốt pha cho dự án. Khi chủ đầu tư bỏ đi còn nợ anh em chúng tôi 56 triệu đồng giờ không biết đòi ai, điện thoại người hợp đồng thì không liên lạc được.
Ngoài những hộ dân ở xã Phú Thuận bị Cty Vincostec - Huế nợ tiền nhân công, vật liệu xây dựng, còn hàng chục hộ dân ở thị trấn Thuận An, xã Phú Dương (huyện Phú Vang) cũng đang bị Cty Vinconstec - Huế “quỵt” nợ lên hàng tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, làm việc với một số hộ dân bị Cty Vinconstec - Huế nợ tiền vật liệu xây dựng, nhân công… Các hộ dân đều kiến nghị các ngành chức năng có ý kiến đề nghị chủ đầu tư sớm thanh toán số tiền còn nợ cho người dân. Địa phương sẽ liên hệ với chủ đầu tư để xác nhận nợ cho người dân, qua đó đề xuất chủ đầu tư sớm thanh toán số tiền còn lại đang nợ người dân và phương án triển khai dự án như thế nào, chứ dự án kéo dài làm cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trí Đức (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.