Khi triển khai công trình xây dựng cầu Hải Vân và đường dẫn phía Bắc, thuộc Hạng mục mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, nhà thầu thi công đã mở một tuyến đường bằng đá hộc đắp cao, dài 180m, rộng 7 – 10m, lấn thẳng ra khu vực mặt đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, TT - Huế). Việc làm này khiến người dân bức xúc, phản đối.
Việc triển khai công trình xây dựng cầu Hải Vân và đường dẫn phía Bắc (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) của Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân khiến người dân tổ dân phố An Cư Đông 2 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) như ngồi trên lửa. Sau khi khu vực mặt đầm Lập An gần cửa biển Lăng Cô có nhiều tàu thuyền vào ra đánh bắt hải sản bỗng xuất hiện một tuyến đường hoàn toàn bằng đá hộc đắp cao, dài khoảng 180m, rộng từ 7-10m, lấn thẳng ra mặt nước tự nhiên.
Công trình xây dựng cầu Hải Vân và đường dẫn phía Bắc, nhà thầu thi công đã mở một tuyến đường bằng đá hộc đắp ra giữa mặt nước đầm Lâp An khiến người dân bức xúc.
Công trình xây dựng cầu Hải Vân và đường dẫn phía Bắc nằm chắn ngang dòng chảy tự nhiên của đầm phá khiến hàng trăm hộ dân làng chài An Cư Đông hết sức lo lắng về nguy cơ gây sạt lở nhà dân, đất đai bồi lắng, đầm nước do nằm gần như vuông góc với hướng thủy triều lên xuống từ vùng biển Lăng Cô nối vào đầm Lập An. Người dân đã hai lần kéo đến công trường tập trung phản đối quyết liệt chủ thầu thi công đường phục vụ xây dựng cầu dẫn vào hầm đường bộ Hải Vân. Họ lo ngại đời sống, môi trường tự nhiên, công việc làm ăn bị ảnh hưởng.
Bà Lê Thị Mễ ở tổ dân phố An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô phản ánh, đường dẫn lấn qua phía mũi doi An Cư Đông chắn gần một nửa dòng chảy khiến dòng nước chảy cuốn xiết hơn, hướng về phía có nhiều dân cư sinh sống, gây va đập tàu thuyền, lồng cá nuôi, làm xói lở và bồi lắng nhiều đoạn bờ cát ven đầm. Khi mùa mưa lũ nước không chảy kịp nên dâng cao khiến cuộc sống của người dân ở tổ dân phố An Cư Đông 1, An Cư Đông 2, Hải Vân ảnh hưởng rất lớn, ngoài không thể nuôi trong thủy sản, đánh bắt, nguy cơ sạt lở rất cao khi dòng chảy bị thay đổi.
Theo anh Trần Lợi, ngụ tại tổ dân phố An Cư Đông 2, khu vực này có khoảng 300 hộ dân Lăng Cô chuyên neo đậu và lưu thông tàu thuyền. Khi nước dâng, tốc độ dòng chảy, áp lực nước hướng về phía làng chài An Cư Đông có dấu hiệu gia tăng bất thường kể từ khi đường công vụ thi công cầu dẫn vào hầm Hải Vân hình thành. Những năm trước, tại khu vực dải cát gần cửa biển và Đồn Biên phòng Lăng Cô, tỉnh TT-Huế đã từng đầu tư ngân sách tiền tỷ để xây kè chống sạt lở, bởi đây là khu vực nhạy cảm về dòng chảy. Do đó, bà con cho rằng, việc hình thành một đường công vụ lấn đầm nằm trên dòng chảy cửa biển gần khu vực kè chống sạt lở cần được cân nhắc về quy mô, kết cấu và có đánh giá tác động môi trường.
Nhiều người dân Lăng Cô phản ánh, khi xây cầu vào cửa hầm Bắc Hải Vân (giai đoạn 1), một đơn vị thi công cũng từng làm đường công vụ bằng đất, đóng cừ chắc chắn nhưng không chịu dỡ bỏ đúng như cam kết sau khi công trình hoàn thành khiến Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân triển khai xây dựng đường dẫn người dân ngăn cản thi công. Người dân rất đồng tình với chủ trương đầu tư mở rộng hầm Hải Vân và xây cầu dẫn nhưng không yên tâm với kiểu thi công làm đường đắp cao, lấn ra đầm, tác động dòng chảy. Nếu xảy ra sạt lở làm trôi, sập nhà cửa, tàu thuyền vào ra gặp nạn, nguồn nước nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm ai phải chịu trách nhiệm?
Đại diện Ban Quản lý dự án (BQLDA) Hầm đường bộ Hải Vân cho biết, khi đơn vị thi công làm đường công vụ phía nam được 180m, người dân thôn An Cư Đông 1, An Cư Đông 2 và thôn Hải Vân (thị trấn Lăng Cô) đã ra cản trở phản đối đơn vị thi công làm cản trở dòng chảy. Ngay sau đó, BQLDA đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng thi công chờ giải quyết và báo cáo lên Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Phú Lộc, UBND thị trấn Lăng Cô. BQLDA đã làm việc với chính quyền địa phương và thống nhất bổ sung 5 cống thoát nước ngang D1000 tại 2 vị trí trên đường công vụ để đảm bảo thoát nước. Khi hoàn thành thi công cầu, nhà thầu phải hoàn trả hiện trạng đường dẫn như ban đầu.
Trao đổi với ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, ông Trung cho biết người dân rất lo ngại tuyến đường công vụ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản, tạo bãi bồi, gây sạt lở nhà cửa. Chính quyền thị trấn đã làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ xem xét để giải quyết. Qua phản ánh của người dân, địa phương đã nhiều lần họp dân, tiếp thu ý kiến phản ánh. Những kiến nghị vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương sẽ được chuyển cho cơ quan chức năng xem xét.
Dự án xây dựng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Cty CP Đèo Cả là chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 7.300 tỉ đồng. Hạng mục đường công vụ phục vụ thi công cầu Hải Vân 2 do Cty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân - Hamadeco chủ trì thực hiện.
Trí Đức (Báo xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.