12/02/2014 10:04 PM
Trả lời Báo ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế trong năm nay sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% đưa ra cho năm 2014 là không quá khó.

Theo ông, vấn đề cần tập trung trong năm nay đối với nền kinh tế là gì?

Tôi cho rằng, vấn đề cần tập trung hiện nay là làm sao phát triển được công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hỗ trợ phát triển được lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nông nghiệp đang có khó khăn về tăng trưởng, nên cần có chính sách để tạo những liên kết giữa công - nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm nông nghiệp ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đây được xem là điểm mấu chốt trong chiến lược phát triển trung - dài hạn.

Thứ hai là việc lấy lại niềm tin của thị trường, trong đó việc tái cấu trúc nền kinh tế mà tập trung vào ba lĩnh vực chính phải đảm bảo thành công, đó là tái cấu trúc đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tái cấu trúc các DN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Điều đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết trong 2 năm tới sẽ cổ phần hóa 500 DNNN, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty và nếu làm được như vậy, sẽ tạo được niềm tin cho thị trường và sự phát triển kinh tế.

Đánh giá của ông như thế nào về việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong 2 năm qua?

Thực sự, nỗ lực tái cấu trúc ngành ngân hàng thời gian qua là rất lớn. Bởi hệ lụy và bất ổn của các ngân hàng thương mại kéo dài nhiều năm, không thể giải quyết được ngay, mà cần phải có thời gian, như vấn đề sở hữu chéo, nợ xấu, nguồn nhân lực, quản trị và kể cả đạo đức kinh doanh…

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với quyết tâm cao đã chỉ đạo các ngân hàng từng bước thực hiện tái cấu trúc để đạt được mục đích, nhưng không gây sự đổ vỡ, theo tôi là cách làm phù hợp. Đặc biệt, với lộ trình và quyết tâm áp dụng các chuẩn mực mới tại Thông tư 02 sẽ đi vào thực tiễn trong tháng 6/2014 tới, sẽ góp phần thanh lọc dần những tổ chức tín dụng không đạt yêu cầu. Đây cũng là việc làm phù hợp với chủ trương tái cấu trúc mà NHNN đang thực hiện.

Như vậy, theo ông, cần thiết phải áp dụng các chuẩn mực mới vào tháng 6 tới đây?

Thông tư 02 đã được NHNN hoãn triển khai trong một năm qua, theo tôi như thế đã là linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, tôi cho rằng, cần kiên trì thực hiện đúng như lộ trình đưa ra và không nên trì hoãn. Đã đến lúc chúng ta phải lành mạnh hóa trong hệ thống bên trong của các ngân hàng thương mại và giải quyết từng bước, dứt điểm những tồn tại như: nợ xấu, sở hữu chéo… đang gây bất ổn trong hệ thống ngân hàng.

Nhưng có ý kiến cho rằng, nếu sớm áp dụng Thông tư 02 sẽ hạn chế tín dụng?

Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% mà ngành ngân hàng đưa ra năm nay không phải là quá lớn và việc áp dụng các chuẩn mực mới tại Thông tư 02 cũng không thể làm “nghẽn” tín dụng trong năm nay. Vấn đề quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế như thế nào.

Hiện vẫn có một lượng lớn DN được xếp loại 1, tức những DN đang tồn tại và hoạt động tốt, nếu những DN trong nhóm này tái đầu tư thì nguồn tín dụng có thể tăng trưởng. Nhóm DN thứ 2, tuy còn khó khăn, nhưng với 5 lĩnh vực ưu tiên tín dụng và lãi suất (nông nghiệp, sản xuất - kinh doanh, xuất - nhập khẩu, DN vừa và nhỏ; công nghiệp phụ trợ) tiếp tục được đẩy mạnh vốn, cùng với gói vốn ưu đãi lãi suất cho cá nhân mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng..., thì việc hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng là không khó.

Có nghĩa, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn, thưa ông?

Đúng vậy! Tôi cho rằng, với cơ sở trên thì khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế trong năm nay sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013, mặc dù kinh tế chưa hết khó khăn. Bởi ngoài 2 nhóm DN kể trên vẫn còn một nhóm DN thứ ba đang gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể cứu được thì cần để thị trường tự thanh lọc.

Đối với vấn đề nợ xấu thì thế nào? Theo ông, đến lúc này nợ xấu còn đáng lo ngại?

Đối với vấn đề nợ xấu, từ trước đến giờ vẫn có 3 cách để giải quyết: Thứ nhất là các ngân hàng tự trích lập dự phòng rủi ro dựa vào lợi nhuận. Khi thực hiện điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng trong lúc này không còn cách nào khác, đồng thời trích dự phòng tiền vẫn nằm đó và có thể hoạt động an toàn. Thứ hai là ngân hàng tích cực xử lý và thu hồi nợ xấu. Thứ ba là bán nợ xấu cho VAMC.

Trong năm qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC. Việc bán nợ cho VAMC giúp ngân hàng làm sạch bảng cân đối tài sản và thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình xử lý nợ. Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong thời gian qua, nhưng không có nguồn tiền mới, mà chủ yếu bằng tự hệ thống ngân hàng, thì cách làm trên được xem là phù hợp.

Thuỳ Vinh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.