17/02/2014 3:49 PM
Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) khi trả lời phỏng vấn của ĐTCK. Theo TS. Nghĩa, năm 2014, vấn đề quan trọng hàng đầu là tập trung xử lý nợ xấu và phục hồi thị trường bất động sản.

Ông nhận định thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014?

Nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi sớm hơn so với dự báo trước đây là phải đến năm 2018, nghĩa là rút ngắn được khoảng thời gian 5 năm và điều này đã có tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước. Theo đánh giá của tôi thì hoạt động xuất khẩu trong năm nay có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như năm 2013 hoặc cao hơn. Đây là mức tương đối cao trong khu vực tập trung trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, những ngành phục hồi sớm và tăng trưởng khá nhanh so với các ngành khác. Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu của DN nội địa sẽ cao hơn khoảng 4 - 5% so với mức 3,6% năm 2013, còn lại chủ yếu dựa vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm ngoái có tốc độ tăng đột biến nhờ một số dự án lớn được ký kết, nhưng năm 2014, mức tăng về giải ngân thực tế có thể cao hơn nhờ giải ngân các dự án lớn cũng như không khí đầu tư toàn cầu ấm trở lại. Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tăng do thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) vẫn kỳ vọng tiếp tục sôi động, bởi nhu cầu phát hành của Chính phủ tăng cùng với mức lãi suất sẽ hấp dẫn hơn.

Thứ ba, đầu tư công của Chính phủ tăng chút ít, nhưng việc sắp xếp lại dự án, lựa chọn khắt khe hơn để tạo ra hiệu quả đầu tư cao hơn và có thể tạo ra những lan tỏa nhất định đối với những ngành như xây dựng, bất động sản.

Vậy có điều gì đáng quan ngại, thưa ông?

Chỉ có một vấn đề, đó là đi tìm lời giải cho một bài toán lớn: Đầu tư khu vực tư nhân và DN nội địa đang phụ thuộc rất lớn vào chương trình tái cấu trúc tài chính của các ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, đồng thời phụ thuộc khá lớn vào lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Nghị quyết 01 của Chính phủ, trong đó, có những vấn đề then chốt là cải cách thể chế, phục hồi thị trường bất động sản đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực bắt đầu ngay trong quý I/2014. Nhưng nhìn chung, đầu tư của khu vực tư nhân và nội địa vẫn còn là một vấn đề lớn, bởi tăng trưởng tín dụng vẫn xoay quanh 11 - 12%, nếu trừ đi lạm phát, trừ đi lãi nhập vào gốc, trừ đi những khoản tăng “giả tạo” thì tăng trưởng ròng của tín dụng còn rất thấp. Điều đó không đủ kích hoạt khu vực tư nhân và DN nội địa lên. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là tập trung xử lý nợ xấu và phục hồi thị trường bất động sản.

Dẫu sao, điểm sáng vẫn đang nhiều hơn điểm tối.

Đúng vậy, nhưng những điểm sáng đó chưa tạo ra sự phục hồi đột phá, mà tác động một cách tuần tự, từ từ. Mặc khác, nhìn vào dài hạn thì yếu tố kìm hãm sự phát triển ổn định kinh tế Việt Nam chính là thể chế, là thay đổi công nghệ, năng lực sáng tạo. Như chúng ta thấy, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế toàn cầu, Việt Nam về mặt thể chế đứng thứ 98/120 nước và trong 10 nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 9 trên Myanmar là một cảnh báo nghiêm khắc đối với cải cách kinh tế. Mức độ sáng tạo xếp thứ 85 cho thấy tốc độ đổi mới, chuyển giao công nghệ, các hoạt động khoa học - công nghệ để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và DN rất yếu. Đó là những yếu tố dài hạn mà Việt Nam không có những bước đột phá thì triển vọng quay trở lại một chu kỳ tăng trưởng cao sẽ còn nhiều khó khăn. Dù sao, các nhà phân tích, tổ chức tài chính quốc tế cũng nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014 khá tốt, tăng trưởng khoảng 5,5%, còn tôi cho rằng sẽ khá hơn là 5,8 - 5,9%.

Với những dự báo trên, theo ông, việc điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của NHNN sẽ hỗ trợ như thế nào đối với nền kinh tế?

Thủ tướng Chính phủ đã xác định trọng tâm điều hành nền kinh tế trong năm 2014 là ngoài việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là xử lý nợ xấu và cải cách DN Nhà nước. Gắn liền với xử lý nợ xấu là làm lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh chương trình cải cách khu vực ngân hàng, để tiệm cận với các chuẩn mực quản trị thế giới. Chính sách tiền tệ năm 2014 vẫn phải phục vụ mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát và tôi tin NHNN sẽ làm được điều này, bởi điều này đã từng thực hiện hiệu quả trong 2 năm vừa qua.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu là mục tiêu vô cùng phức tạp, bởi gắn liền với lợi ích của từng tập đoàn, cá nhân các ông chủ sở hữu ngân hàng, con nợ và chủ nợ… Điều này càng phức tạp hơn trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, thị trường tài chính chưa có độ sâu. Đó sẽ là một trong những nhiệm vụ nặng nề nhất của NHNN trong năm 2014 và cả 2015. Bao gồm trên tất cả các lĩnh vực: kiểm soát lạm phát, kiểm soát tăng trưởng, tín dụng xử lý nợ xấu, cải thiện báo cáo tài chính; chuẩn mực kế toán và tăng cường kỷ luật ngành ngân hàng; tăng cường các biện pháp giám sát cẩn trọng và hiệu quả; củng cố và xử lý sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn. Đó là những vấn đề rất lớn, nhưng cần có thời gian, bước đi và cả những hỗ trợ về năng lực thể chế, quyết tâm chính trị mới thực hiện được.

Nhiều người cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng chỉ là một bộ phận trong tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng cần phải hiểu là đây là bộ phận then chốt nhất và toàn diện nhất. Ngành ngân hàng như huyết mạch của nền kinh tế, khi mạch máu bị tắc nghẽn thì việc xử lý các “căn bệnh” khác vô cùng phức tạp. Do vậy, tái cấu trúc được hệ thống tài chính sẽ tái cấu trúc được nền kinh tế.

Thị trường vẫn mong đợi việc xử lý nợ xấu được tiến hành nhanh hơn, thưa ông?

NHNN đã đi được những bước đi đầu tiên trong tình hình khá khó khăn, như xử lý nợ xấu trong bối cảnh thị trường tài sản đình đốn; quan hệ sở hữu trong ngành ngân hàng cực kỳ phức tạp và không minh bạch. Bên cạnh đó, NHNN vừa phải giữ cho thanh khoản ổn định vừa phải xử lý nợ xấu, gắn với việc sắp xếp, cơ cấu các ngân hàng yếu kém và các quan hệ không minh bạch. Quan trọng là hướng đi của NHNN đã rất rõ, có một kế hoạch khá cụ thể với một lộ trình tương đối rõ ràng cùng với những mục tiêu chủ chốt trong việc tái cơ cấu NHTM. Đến giờ phút này, rõ ràng, chúng ta đã thấy cải cách hệ thống ngân hàng có những bước tiến, nhìn được thành tựu bước đầu và có thể tin được giai đoạn tới dù có rất nhiều khó khăn. Khó có thể kỳ vọng việc xử lý nợ xấu đi nhanh, bởi nếu dùng tiền ngân sách xử lý mới nhanh, còn nếu dùng nguồn lực của NHNN thì buộc phải chấp nhận tiến độ chậm. Đây là nguồn lực nếu sử dụng ngay lập tức có thể dẫn đến lạm phát, đi ngược lại mục tiêu chính trong điều hành của NHNN là ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát.

Ông có khuyến nghị gì trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới?

Đây là quá trình phức tạp cần được tiến hành một cách minh bạch, trật tự, ổn định hệ thống. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đừng hình sự hóa quá mức các quan hệ tín dụng, nợ nần. Quan hệ tín dụng là quan hệ dân sự và những gì thuộc về dân sự hãy trả về pháp luật dân sự.

Nợ nần của hệ thống ngân hàng có thể lớn bằng tổng GDP, 70% các DN và khoảng hơn 1/2 dân số có quan hệ vay và gửi tiền với ngân hàng, chưa kể việc lợi dụng ngân hàng làm tín dụng đen bên ngoài. Việc lạm dụng các công cụ hình sự trong xử lý các mối quan hệ tín dụng nhiều khi không thực hiện được mục tiêu là thu hồi được khoản nợ, thậm chí dẫn đến mất vốn, gây ra những đổ bể rất lớn cho ngân hàng, DN và cả xã hội sẽ phải trả giá rất đắt.

Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.