11/04/2023 5:52 PM
Trước khi vướng lao lý, với lợi thế kinh doanh bán đồ uống, gia đình Tân Hiệp Phát được xem như “ông trùm” về tiền mặt ở Việt Nam khi mỗi năm lãi hàng nghìn tỷ đồng.

Ba cha con ông chủ Tân Hiệp Phát.

Vì sao ba cha con nhà Tân Hiệp Phát vướng lao lý?

Chiều 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, ông Thanh và bà Uyên Phương bị bắt tạm giam, còn bà Bích thì được giải quyết cho tại ngoại hầu tra.

Ông Trần Quí Thanh là người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát (trụ sở tại Đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) – một doanh nghiệp hàng đầu về nước giải khát tại Việt Nam. Còn bà Uyên Phương và bà Bích cùng giữ chức Phó tổng giám đốc của công ty gia đình này.

Theo C01, việc khởi tố và bắt tạm giam 3 cha con ông Thanh nằm trong diễn tiến giải quyết đơn của một số người ở TPHCM, Đồng Nai. Những người này tố giác ông Thanh, bà Phương, bà Bích và một số cá nhân có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cưỡng đoạt tài sản. Các hành vi được C01 xác định có liên quan các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại Đồng Nai và TPHCM.

Trước đó, tháng 3/2021, C01 đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm - Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh Đồng Nai (Công ty Kim Oanh), ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Công ty DCB và Lâm Hoàng Sơn.

Theo thông tin từ đơn tố giác, năm 2015, Công ty Kim Oanh mua lại 2 dự án bất động sản tại Đồng Nai với tổng trị giá 530 tỷ đồng.

Năm 2017, đại diện Công ty Kim Oanh tìm đến bố con ông Thanh để vay 350 tỷ thanh toán gấp cho đối tác. Giữa hai bên làm hàng loạt các hợp đồng giả như hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thực chất là vay mượn, lãi suất 3%/tháng, trả lãi theo quý.

Công ty Kim Oanh vẫn thực hiện trả lãi đều đặn, đến năm 2020 thì thu xếp đủ 350 tỷ trả nhà Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, bà Trần Uyên Phương – con gái ông Thanh đã chuyển trả lại số tiền trên cho phía Kim Oanh và không trả lại dự án.

Trước đó, để được vay 350 tỷ đồng, Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu Công ty Kim Oanh phải ký thanh lý các hợp đồng năm 2017 mà Kim Oanh đã ký với nhóm ông Minh, bà Trang, đồng thời ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn của Công ty Minh Thành cho phía Tân Hiệp Phát.

Phía Công ty Kim Oanh đã cung cấp thêm nhiều thông tin cho cơ quan chức năng về dòng tiền qua lại giữa các bên để chứng minh giữa công ty với nhóm ông Minh, bà Trang và Tân Hiệp Phát không phải mua bán cổ phần, chuyển nhượng dự án mà bản chất là vay mượn tiền.

Và mặc dù cả 2 khoản vay đều có thế chấp bằng toàn bộ 100% cổ phần hoặc toàn bộ dự án nhưng phía Tân Hiệp Phát không ký hợp đồng cho vay mà buộc bên đi vay phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tiền đặt cọc, cam kết bán lại vừa để che giấu hành vi cho vay nặng lãi, tránh né pháp luật vừa như một cách để gài bẫy con nợ nhằm chiếm đoạt luôn dự án.

Hết cách thương lượng, phía Kim Oanh đâm đơn ra Bộ Công an. Giá trị 2 dự án lúc này được cơ quan Công an định giá là gần 1.200 tỷ đồng. Hiện thực tế có thể cao hơn so với lúc định giá.

Tháng 3/2021, Bộ Công an khởi tố vụ án. Và đến tháng 4/2023, cả ba bố con ông Thanh của Tân Hiệp Phát bị vướng lao lý.

Kinh doanh đồ uống, thu hàng nghìn tỷ mỗi năm

Trước khi ba lãnh đạo vướng vòng lao lý, công ty gia đình Tân Hiệp Phát được xem là một trong những "ông lớn" ngành đồ uống trong nước.

Khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nước giải khát nhỏ vào năm 1994, ông Trần Quí Thanh đã xây dựng Tân Hiệp Phát trở thành một trong những công ty hàng đầu trong ngành đồ uống tại Việt Nam, với 3 sản phẩm chủ lực là trà thảo mộc Dr Thanh, trà xanh không độ và nước tăng lực Number1.

Tập đoàn này sở hữu 4 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai (Quảng Nam) và Hậu Giang.

Kết quả kinh doanh cụ thể của Tân Hiệp Phát chưa từng được tiết lộ đầy đủ. Tuy nhiên, thông tin đầu tiên tiết lộ doanh thu của Tân Hiệp Phát là khoảng hơn 10 năm trước, khi Tân Hiệp Phát có mặt trong bảng xếp hạng VNR500. Doanh thu năm 2011 của Tân Hiệp Phát khoảng 6.000 tỷ đồng.

Coca-Cola cũng từng đặt vấn đề mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD, thông tin được bà Trần Uyên Phương thuật lại trong quyển sách “Competing with giants” (Đứng trên vai người khổng lồ), ra mắt năm 2018.

Theo số liệu kinh doanh được tiết lộ là năm 2019, nhà máy tại Bình Dương của Tân Hiệp Phát ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.554 tỷ đồng; nhà máy Number One Hà Nam ghi nhận doanh thu 1.998 tỷ đồng, lãi thuần đạt 784 tỷ đồng.

Cũng có nhiều thông tin cho biết công ty của gia đình ông Trần Quí Thanh trong mảng nước giải khát là rất lớn, lợi nhuận có thời điểm vượt cả Coca-Cola và Pepsi.

Thành công trong lĩnh vực đồ uống, gần đây gia đình ông Dr Thanh đã mở rộng sang lĩnh vực bất động sản với việc mua lại các lô đất tại Vũng Tàu, tham gia đấu giá đất tại Đồng Nai, hay mua dự án tại Đà Nẵng.

Hơn 10 công ty bất động sản được thành lập và đứng tên bởi các thành viên trong gia đình Tân Hiệp Phát với số vốn điều lệ đăng ký khoảng 19.000 tỷ đồng. Tuy vậy đến nay chưa có dự án bất động sản nào của Tân Hiệp Phát được phát triển.

Ông Thanh Trần Quí còn tự tin với chiến lược phát triển tập đoàn, Tân Hiệp Phát sẽ trở thành thương hiệu Việt mang tầm vóc châu Á, doanh thu khoảng 1 tỷ USD vào năm nay (năm 2023) và đạt khoảng 3 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, tương lai Tân Hiệp Phát sẽ ra sao vẫn còn là câu hỏi, khi cả ba người điều hành chính của Tân Hiệp Phát là ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đều đang vướng lao lý.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.