20/05/2011 8:59 AM
Kể từ hôm nay, Trung Quốc bổ sung hợp kim chứa trên 10% đất hiếm vào danh mục hàng xuất khẩu bị áp hạn ngạch thuế quan, sau khi đã có động thái tương tự với quặng thô chứa đất hiếm.

Khai thác đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: AFP

Thay vì được xuất khẩu tự do theo cung cầu thị trường, kể từ hôm nay, các loại hợp kim có chứa trên 10% hàm lượng đất hiếm sẽ chỉ được xuất với số lượng nhất định, theo quy định mới công bố của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Theo BBC, đây là động thái tiếp theo trong kế hoạch thu hẹp hoạt động xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, nơi đang đáp ứng 95% nhu cầu thế giới đối với loại nguyên liệu này. Cùng với việc áp hạn ngạch với hợp kim, Trung Quốc chủ trương ưu tiên cho các công ty lớn điều phối hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu đất hiếm. Trong vòng 5 năm tới, Chính phủ sẽ không cấp phép dự án mới hay cho phép mở rộng các khu khai thác hiện nay.

Hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm cấp phép cho nửa đầu năm nay chỉ ở mức 14.508 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Dow Jones cho biết có 22 doanh nghiệp trong nước và 10 doanh nghiệp nước ngoài được nằm trong danh sách cấp hạn ngạch. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết chỉ muốn tập trung 80% quota này cho 3 doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, những trường hợp mua đi bán lại quota sẽ bị xử lý nghiêm.

Trước đó, từ 1/4, Bắc Kinh đã nâng thuế tài nguyên đối với quặng đất hiếm từ mức 0,4-3 nhân dân tệ một tấn lên 60 tệ một tấn (với đất hiếm loại nhẹ) và lên 30 tệ một tấn với đất hiếm nặng. Trung Quốc dự kiến còn tăng thuế cao hơn và có cơ chế kiểm soát việc kiếm lợi phi pháp trong ngành công nghiệp khai thác đất hiếm.

Ngoài thuế tài nguyên, Trung Quốc cũng đã áp thuế xuất khẩu hợp kim có trên 10% hàm lượng đất hiếm lên mức 25%.

Đất hiếm, được cấu tạo bởi 17 nguyên tố hóa học khác nhau, là nguyên liệu quý cho ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử, công nghệ cao như điện thoại di động, pin ôtô hybrid, turbine gió... Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo việc khai thác đất hiếm sẽ phá hủy rừng cũng như đất. Các chất thải sau quá trình khai thác cũng rất độc hại với môi trường.

Chính phủ Trung Quốc cho biết phải giới hạn lượng đất hiếm xuất khẩu nhằm bảo về môi trường và hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, động thái này có thể khiến các nước trong đó có Nhật Bản không hài lòng, bởi họ đang quá lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi Trung Quốc công bố tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm vào tháng 9 năm ngoái, Nhật Bản đã phải tính tới việc chuyển hướng sang Việt Nam. Một số nhà khoa học Việt Nam cảnh báo giá trị kinh tế của việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm không cao.

Đầu năm nay, Việt Nam cũng cho phép tham dò đất hiếm tại Lai Châu. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam cho rằng, khai thác đất hiếm tuy không mang lại nhiều giá trị kinh tế trước mắt song có thể giúp Việt Nam xây dựng mô hình hợp tác với Nhật trong các lĩnh vực khác.

Hiện tại, các nước lớn trên thế giới như Mỹ hay Australia đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các mỏ khai thác đất hiếm nhằm tăng nguồn cung bên ngoài Trung Quốc. Canada và Brazil cũng tính chuyện tăng sản lượng khai thác.

Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đầu năm nay đã công bố thành lập 11 khu vực khai thác đất hiếm với tổng diện tích 2.500 km vuông thuộc quản lý nhà nước ở tỉnh Giang Tây. Trữ lượng đất hiếm tại khu vực này vào khoảng 760.000 tấn.

Theo Hải Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0