Thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng nhiều điểm vui chơi mới nhằm phục vụ cho 1,3 tỷ người dân ở nước này. Nhiều công viên mang những chủ đề như: điện ảnh, lịch sử, chocolate, và cả... sex, đã lần lượt được xây dựng.
Nhưng do giá bất động sản đang tăng mạnh và có nhiều lo ngại về việc các chính quyền địa phương đã chi tiêu quá tay, nên Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã ban hành lệnh dừng phát triển các dự án mới, trong đó có cả việc hoàn tất một số dự án đã được xúc tiến, cấm xây dựng thêm trong các công viên chủ đề có diện tích trên 20 ha hoặc có tổng số đầu tư hơn 500 triệu NDT (54,3 triệu euro).
Đua nhau xây công viên chủ đề
Theo thống kê, có hơn 20 thành phố đang tính xây dựng các công viên chủ đề và 2.500 công viên chủ đề đang hoạt động khắp Trung Quốc thu hút vốn đầu tư ít nhất là 150 tỷ NDT (16,3 tỷ euro).
“Tôi có thể mô tả môi trường này như một cuộc đổ xô đi tìm vàng ở miền Đông hoang dã” - đó là nhận định của Brent Young, nhà thiết kế chính người Mỹ, từng tham gia một số dự án công viên chủ đề ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã ra lệnh cấm xây dựng các công viên chủ đề mới.
Vài tháng trở lại đây, nhiều dự án xây dựng công viên chủ đề mới ở Trung Quốc đã được “lên khuôn”. Như hồi tháng 6, công ty bất động sản Trung Quốc Zhonghong đã ký với các nhà phát triển điểm vui chơi giải trí Thinkwell, có trụ sở ở Mỹ, để thiết kế một công viên chủ đề tốn kém 1,1 tỷ euro mang đề tài về huyền thoại Vua Khỉ. Tháng trước, tập đoàn điện ảnh Huayi Brothers đã ký hợp đồng với một công ty phát triển bất động sản để xây dựng một công viên chủ đề dựa theo các bộ phim của họ ở gần Thượng Hải, tốn kém 320 triệu euro. Và một công viên chủ đề về cô mèo Hello Kitty, với vốn đầu tư 130 triệu bảng, dự kiến được khai trương vào năm 2014.
Dự án công viên chủ đề lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc là Disneyland, được xây dựng ở gần Thượng Hải. Nhưng nhiều khả năng dự án này sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia vì dự án này được chính quyền trung ương phê duyệt. Dự án nói trên được công ty Walt Disney động thổ hồi tháng 5, tốn kém gần 3 tỷ euro xây dựng và dự kiến sẽ hoàn tất trong khoảng 5 năm. Tập đoàn Shendi Thượng Hải, một công ty do Nhà nước quản lý, sẽ sở hữu 57% khu resort này. 43% còn lại là của Disney.
Nỗi lo vỡ nợ
Một phần nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ xây dựng các công viên chủ đề mới là do vài năm trở lại đây các địa phương đã cấp phép xây dựng một cách ồ ạt, mặc dù Hội đồng Quốc gia mới là nơi được phép phê duyệt các dự án lớn.
“Hầu hết các nguồn đầu tư đều là nguồn vốn vay ngân hàng và của các nhà đầu tư. Nếu các dự án đó bị ngưng trệ thì mức độ tổn hại sẽ vô cùng lớn” - Zhao Huanyan, nhà tư vấn của Hotelsolution, nói với tờ China Business.
Chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng đang gây nên những mối lo ngại lớn khi họ đang mắc một khoản nợ tới 430 tỷ euro bởi từ năm 2008, họ được khuyến khích vay vốn để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.
Lệnh cấm đã được ban hành, nhưng đối với nhiều địa phương, việc xây dựng công viên chủ đề vẫn cuốn hút họ bởi các dự án đó tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo các nền tảng nhận thức văn hóa, đem lại nguồn thu và cung cấp nơi giải trí lớn. Trong khi đó, các nhà đầu tư có thể chiếm được nhiều đất hơn để phát triển, thu hút được nhiều lợi nhuận hơn.
Thế
nhưng, không phải bất cứ công viên chủ đề nào ở Trung Quốc cũng có thể
hoạt động một cách thuận lợi và dễ dàng thu được lợi nhuận. Hồi năm
2009, Chính quyền thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, đã buộc
phải đóng cửa Loveland (Miền đất Tình yêu), công viên chủ đề về sex đầu
tiên ở nước này, vì các bức tượng trong công viên bị coi là quá thô tục.