Sau nhiều năm giá nhà đất bị đẩy quá xa so với giá trị thực, bong bóng bất động sản – một trong số những rủi ro kinh tế lớn nhất Trung Quốc - bắt đầu nổ khiến nền kinh tế nước này tụt dốc nhanh, đồng thời gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tăng trưởng toàn cầu.

Ngành bất động sản góp phần nhiều vào tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong hai thập niên qua, ảnh hưởng lớn đến ngành xi măng, thép và xây dựng. Bất động sản cũng là khoản đầu tư ưa chuộng của người Trung Quốc vì lợi nhuận cao hơn lãi suất từ tiền gửi ngân hàng. Chính quyền địa phương và các tỉnh, thành phụ thuộc vào giá tăng khi bán đất để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng.

Giá nhà đất và căn hộ giảm sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tại Trung Quốc và làm giảm chi tiêu. Trung Quốc là “nền kinh tế phụ thuộc vào ngành bất động sản” – kinh tế gia Jonathan Anderson tại ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nói, ông ước tính chỉ riêng ngành xây dựng đã chiếm 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2010, tăng gấp đôi so thập niên 1990.

Nền kinh tế toàn cầu hiện nay phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, từ nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho đến các mặt hàng xa xỉ, khi dấu hiệu phục hồi ở Mỹ mờ nhạt và những khó khăn về nợ ở châu Âu vẫn cứ dai dẳng. Nhiều nền kinh tế châu Phi và Mỹ Latin chuyển hướng quan tâm đến nhu cầu của người Trung Quốc về nguyên vật liệu thô, các nhà bán lẻ và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ giờ phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc dư dả hơn để bù đắp việc kinh doanh ế ẩm ở những nơi khác. Các kế hoạch cải tiến cơ sở hạ tầng của chính phủ Trung Quốc cũng tác động mạnh đến những công ty sản xuất thiết bị nặng như tập đoàn Caterpillar (Mỹ).

Ông Ardo Hanson, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bắc Kinh, hôm 9-6 nhận định Trung Quốc cần xem xét việc tăng lãi suất hơn nữa để kìm hãm giá tiêu dùng và cắt giảm bong bóng nhà đất và các tài sản khác.

Các quan chức Trung Quốc, đối mặt với sự giận dữ lan rộng của những người dân không còn khả năng mua nhà, gần đây tìm cách giảm tăng giá nhà đất. Từ tháng 1-2010, chính phủ Trung Quốc công bố nhiều biện pháp giảm tình trạng đầu cơ bất động sản, bao gồm tăng lãi suất, ngăn chặn các công ty quốc doanh ngoài ngành bất động sản đầu tư vào bất động sản và 11 lần nâng lượng tiền mặt ngân hàng phải dự trữ – để giảm đến mức tối đa nguồn quỹ ngân hàng có thể cho vay. Ở Thượng Hải, doanh số bán căn hộ tháng 4-2011 giảm còn 11.000 căn so với 17.500 căn hồi tháng 1-2011, theo Trung tâm giao dịch bất động sản Thượng Hải. Chính sách giới hạn mua bán của chính phủ và các điều luật yêu cầu người mua phải có hộ khẩu Bắc Kinh và hóa đơn thuế nhà đất trong năm năm liên tục cũng làm giảm lượng giao dịch.

Việc đình trệ trong kinh doanh nhà đất xảy ra đúng lúc xuất hiện dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Tuần trước, hai nghiên cứu về chỉ số thu mua cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tăng trưởng 9,7% trong quí 1-2011 so với năm trước. Cuối tháng 5-2011, ngân hàng Goldma Sachs (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng quí 2-2011 của Trung Quốc còn 8% từ mức 8,8% trước đó khi chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ suy yếu.

Kinh tế gia Tao Wang tại ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho rằng tình hình hiện nay chỉ diễn ra trong ngắn hạn vì các nhà đầu tư Trung Quốc, có rất ít sự lựa chọn, sẽ lại đổ tiền vào bất động sản và chính quyền địa phương lại đẩy giá đất bán cho giới kinh doanh nhà đất.


Theo Thúy Hằng (TBKTSG Online/Theo WSJ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0