Ở các nước, chuyện bán nhà là chuyện bé như con kiến. Hy Lạp trong cơn khủng hoảng tài chính, người ta còn bán đi cả những bến cảng, nhà máy.
Ở Việt Nam, chuyện các vụ mua bán, sáp nhập không chỉ doanh nghiệp (DN), mà các BĐS có giá trị lớn xem ra cũng đang ở giai đoạn bùng nổ. Ít ai dám nghĩ, có một ngày như tháng 3 vừa qua, DN Hanel của Hà Nội dám mua đứt khách sạn sang trọng Daewoo ngay giữa thủ đô. Hay như chủ đầu tư dự án hỗn hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ để bán trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có diện tích 4.000m², đã được phê duyệt gồm 2 tòa nhà 30 tầng với mật độ xây dựng 50%, đầy đủ pháp lý, giá chào bán 470 tỷ đồng.
Dự án nằm trên đường Phạm Hùng có diện tích 3.600m², số tầng là 20, được chào bán với giá 88,9 tỷ đồng. Hay một resort tại Mũi Né - Phan Thiết, với khách sạn cao cấp, đầy đủ nội thất tiêu chuẩn 4 sao và đang kinh doanh tốt với 100 phòng, đang được chào bán với giá 115 tỷ đồng.
Những thông tin trên cho thấy thị trường BĐS đang rất khó khăn, nhất là về khả năng thanh khoản và khả năng trả lãi suất ngân hàng, vay vốn tiếp tục hoàn thiện dự án. Sau vài năm chạy đua với cái danh “cao cấp”, người ta mới nhận ra là thị trường VN là thị trường dành cho DN nhỏ và vừa, cho người thu nhập trung bình, cần sản phẩm với giá phải chăng. Chính vì trót đua xây văn phòng, căn hộ cao cấp, nên giờ đây muốn thối lui về với giá bình dân, xem ra vô cùng khó khăn. Sự trả giá cho cái danh, mốt… khiến DN lao đao với lãi suất, với nhu cầu tiêu dùng của số đông lỡ lao theo DN.
Giá như ngay từ đầu, các nhà chiến lược kinh doanh BĐS chú ý hơn tới chỉ số GDP, tới khả năng thanh toán tiền thuê văn phòng của các DN vừa và nhỏ VN, tới thu nhập của mỗi gia đình người VN, có thể hoạch định chiến lược kinh doanh đúng đắn. Giá cả phải được xây dựng trên khả năng cung và cầu của thị trường.
Giờ đây mọi cái khó DN kinh doanh BĐS đều đổ thừa cho ngân hàng tăng lãi suất, không cho vay… nhưng ít DN nào thừa nhận mình đi sai chiến lược kinh doanh. Lúc này, người ta mới thấy DN tư vấn chiến lược kinh doanh BĐS dài, trung, ngắn hạn là vô cùng cần thiết, là chỗ dựa để làm ăn. Những DN đó, tiếc thay, là không có. Người ta thích tư vấn cái giá trị ảo, thích thổi phồng mọi dự án cho cao cấp, chứ ít ai thật tâm tư vấn cái cần và đúng cho xã hội.
Vì vậy, đã đến lúc DN cần các nhà tư vấn với giá trị thật để vượt khó, tiếp tục làm ăn trong tương lai.