“Phá băng”, giải cứu thị trường bất động sản nói thì dễ song làm không dễ chút nào nếu không muốn nói là vô cùng nan giải.
Giống như cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ bùng nổ năm 2008, thảm cảnh thị trường bất động sản nước ta hiện nay cũng bắt nguồn từ sự tăng trưởng quá nóng. Tăng trưởng nóng với siêu lợi nhuận đã làm lóa mắt tất cả. Thị trường bị méo mó, biến dạng thành thị trường phục vụ giới đầu cơ mua đi bán lại với nhau là chính, còn người có nhu cầu đích thực chỉ chiếm số ít. Vượt giá trị thực quá xa, đồng nghĩa với vượt quá xa tầm với người có nhu cầu đích thực - khách hàng đích thực và đông đảo - thì việc quả bong bóng bất động sản phải nổ tung là điều tất yếu.
Thị trường đóng băng, hàng tồn kho “khủng” là một nghịch lý trong bối cảnh diện tích ở của dân cư đô thị còn rất thấp. Khách hàng đông đảo song hàng hóa ế thừa là do giá cả quá đắt đỏ so với khả năng tài chính của họ. Bởi thế, muốn được giải cứu thì thị trường bất động sản không còn cách nào khác là phải tự mình trở lại một thị trường lành mạnh, thị trường dành cho số đông khách hàng có nhu cầu đích thực chứ không phải giới đầu cơ hay số ít người thu nhập cao.
Khi mà các dự án bất động sản “dài cổ” ngóng trông khách hàng thì việc khách hàng rồng rắn mua hết veo 1.000 căn hộ thuộc dự án khu đô thị mới Đại Thanh (huyện Thanh Trì - Hà Nội) chẳng khác nào điều không tưởng. Song chính việc chào bán với giá 10 triệu đồng/m2 - mức giá phù hợp với túi tiền của đa số khách hàng - của chủ đầu tư dự án này đã biến cái không thể thành cái có thể.
Tất nhiên, để “đại hạ giá” số bất động sản mà các nhà đầu tư, đầu cơ đã trót “ôm” vào với cái giá trên trời là vô cùng nan giải. Bán với giá quá thấp so với giá mua vào thì không đủ tiền trả vốn đã vay, song để thì “xanh mặt” mỗi khi tới kỳ đáo hạn. Cái khó của không ít người trên thị trường bất động sản hiện nay chẳng khác nào “chết ngay” nếu chịu lỗ lớn để đại hạ giá đẩy hàng đi và “chết từ từ”, xoay đủ mọi cách để trả tiền gốc và lãi mỗi khi đáo hạn.
Đã đến lúc buộc phải lựa chọn giữa “chết ngay” hay “chết từ từ”. Giải cứu thị trường bất động sản không còn cách nào khác là phải chấp nhận giải pháp đau đớn, để cho những chủ, nhà đầu tư và cả nhà băng yếu kém về cả năng lực và vốn phá sản, tạo điều kiện cơ cấu lại, lành mạnh hóa thị trường để tạo niềm tin, thu hút khách hàng trở lại. Vấn đề phải tính “đau” đến đâu thì còn chịu được và không vỡ thị trường.
Băng sẽ được phá, thị trường sẽ hồi sinh một khi giá bất động sản trở lại mặt đất, nơi còn rất nhiều khách hàng có nhu cầu thực sự.